Không có quả bom nào được kích nổ trong phiên họp đại hội đồng cổ đông VPF vào sáng qua như “hứa hẹn” của một vài đội bóng. Thay vào đó, đội bóng- cổ đông của VPF- xoa tay cười giòn và cùng biểu quyết không… nói xấu VPF.
Bom bị tháo ngòi
Gói gọn trong 3 tiếng, đại hội cổ đông VPF đã hoàn tất với nụ cười rất tươi của các cổ đông- đội bóng. Mọi thứ êm ả, chẳng có quả “bom” nào được kích nổ, dù trước đó nhiều người đã e ngại, có người lại chờ đợi. Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch CLB Hải Phòng, không hé lời phát biểu, dù trong phiên họp tổng kết mùa giải 2015, đại diện đội bóng đất Cảng “bắn” rất xôm. Ông Hùng đã không ném thêm quả bom nào vào VPF, dẫu trước đó người đứng đầu CLB Hải Phòng đã hứa sẽ trút hết trong phiên họp đại hội cổ đông VPF, trong đó có cả thắc mắc về “vị Phó Tổng 3 năm không kiếm được 1 xu tài trợ”.
Hải Phòng tắt tiếng, Thanh Hóa cũng kê cao gối ngồi nghe báo cáo rất thuyết phục của VPF. Một ngày trước, Phó Chủ tịch CLB Thanh Hóa Nguyễn Trọng Hoài e ngại về việc không minh bạch một số khoản thu (tiền trừ phạt cuối mùa). Tuy nhiên, sau khi VPF công bố báo cáo tài chính được kiểm toán thông qua, đại diện Thanh Hóa cũng không còn ý kiến để phản ứng. Tổng Giám đốc CLB B.Bình Dương Lê Hồng Cường chốt ngắn gọn: “VPF làm ăn tốt, minh bạch nên kiểm toán mới đưa ra báo cáo đẹp, không chê tí nào như vậy”.
Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng nói “Toyota đã tăng tiền tài trợ cho V-League, có nghĩa sản phẩm của chúng ta vẫn được yêu mến…”.
Với bầu không khí hòa nhã, đại hội cổ đông VPF hoàn thành một cách chóng mặt. Những cái xoa tay cười giòn, khuôn mặt hớn hở để thông qua các nghị quyết do VPF đặt ra. Không chỉ vậy, ông Nguyễn Hồng Thanh, Tổng Giám đốc SLNA, còn đưa ra yêu cầu với các đồng nghiệp: “Chúng ta đã đồng ý với biên bản đại hội thì sau này không được phép nói xấu VPF. Ở công ty các anh, ai nói xấu công ty, các anh đuổi cổ. Tôi cũng vậy, ai nói xấu công ty và viết thư nặc danh, việc đầu tiên là tôi đuổi. Vì lẽ đó, một khi đã là thành viên VPF, thông qua nghị quyết rồi, không ai được phép xì xào, nói xấu VPF sau lưng nữa”. Ông Thanh vừa dứt lời, một cổ đông hô to: “Thế thì cứ biểu quyết ý kiến của anh Thanh”.
Tiền rót đều vào VPF
Sở dĩ VPF dập tắt được những ý tưởng xấu từ đội bóng - cổ đông - vào mình là do công ty này đang làm ăn rất ổn. Năm 2015, VPF đặt mục tiêu doanh thu 116 tỷ đồng và kết quả thu được gần 102 tỷ, đạt 87,50%. Trong khi đó, mùa 2016, VPF dự kiến tổng thu là 123 tỷ, nhiều hơn mùa trước hơn 20 tỷ đồng. Điều quan trọng, lợi nhuận của VPF đều được tái đầu tư cho các đội bóng, thông qua hình thức hỗ trợ tài chính vào cuối mùa giải. Cụ thể mùa V-League 2015, ngoài khoản thưởng cho nhà vô địch, B.Bình Dương còn nhận thêm 1,370 tỷ đồng, còn đội rớt hạng Đồng Nai cũng nhận được 689 triệu đồng đổ vào tài khoản.
Theo kế hoạch, VPF sẽ chi 22,8 tỷ đồng hỗ trợ cho 24 CLB trong mùa bóng 2016. Đấy là chưa kể 10 tỷ đồng được VPF “bơm” ngược về VFF để phục vụ hoạt động các đội tuyển, đào tạo trọng tài… Ấn tượng nhất là bản hợp đồng mua bảo hiểm cho gần 1.000 cán bộ VPF, giám sát, trọng tài và cầu thủ của 24 đội bóng mà VPF không phải chi một đồng. Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng nói: “VPF không phải chi một đồng mua bảo hiểm. Chúng tôi có được gói bảo hiểm này nhờ việc đổi lại sản phẩm của mình cho các đơn vị bảo hiểm trong 2 mùa bóng”.
Cũng theo ông Thắng, việc VPF làm ăn có lãi đương nhiên phải dựa vào nền tảng là các đội bóng cùng chung tay đóng góp. Cho nên, ông Thắng nài nỉ các cổ đông: “Toyota đã tăng tiền tài trợ cho V-League, có nghĩa sản phẩm của chúng ta vẫn được yêu mến. Nhưng muốn làm cho sản phẩm của mình đắt hơn thì chúng ta phải giữ uy tín. Các cổ đông - đội bóng - đồng lòng thì VPF còn mạnh và làm ăn tốt hơn nữa”.
Gia Minh