VPF đổi tướng - Siết chặt tay nhau

Việc bổ nhiệm ông Cao Văn Chóng đảm đương ghế Tổng giám đốc VPF có thể xem là bất ngờ so với những đồn đoán trước đó. Thách thức đối với tân thuyền trưởng VPF không đơn giản là giúp VPF làm ăn có lãi hay cao xa là đưa bóng đá Việt Nam vào khuôn khổ lập tức.

Việc bổ nhiệm ông Cao Văn Chóng đảm đương ghế Tổng giám đốc VPF có thể xem là bất ngờ so với những đồn đoán trước đó. Thách thức đối với tân thuyền trưởng VPF không đơn giản là giúp VPF làm ăn có lãi hay cao xa là đưa bóng đá Việt Nam vào khuôn khổ lập tức.

Một người trung dung

Không đợi đến cuộc họp của HĐQT vừa rồi, ông Phạm Ngọc Viễn mới rút khỏi ghế Tổng giám đốc. Lẽ ra ông Viễn có thể đã chia tay ghế Tổng giám đốc VPF ở giữa mùa bóng 2015. Tuy nhiên, ông Viễn đã trụ lại đến hết mùa bóng, không phải vì cựu Tổng giám đốc chưa muốn rời ghế. Vấn đề chính là con người thay thế cho ông Viễn ngồi vào chiếc ghế nóng này.

Suốt thời gian dài, tin đồn thổi cho hay, nếu ông Phạm Ngọc Viễn rút lui thì chiếc ghế ấy sẽ được tiếp quản bởi ông Nguyễn Minh Ngọc - người mới được đôn làm Phó Tổng giám đốc VPF hồi đầu mùa bóng. Ông Ngọc thuộc phe “thân” VFF, có được sự hậu thuẫn tối đa từ đơn vị này. Nhưng mọi thứ đã không như ý, bởi sự xuất hiện của ông Ngọc đã không làm cho các cổ đông hài lòng. Cụ thể là những phản ứng từ phía Hải Phòng ở hội nghị tổng kết mùa giải 2015 càng làm ông Ngọc hụt hơi.

Cân bằng giữa phe thân VFF và trực tiếp, có cơ sở ở cấp CLB thì đương nhiên, tân Tổng giám đốc Cao Văn Chóng là người phù hợp nhất. Mời được ông Chóng vào đảm đương vị trí này rõ ràng là thành công của HĐQT VPF. Ông Chóng dung hòa được những yếu tố, đủ làm cho VFF không quá lo lắng vì mất tầm ảnh hưởng và cũng không khiến cho các CLB ái ngại, tiếp tục bị “cai trị” theo lề lối cũ. Tóm lại, đấy là người vừa hiểu VFF cần gì và cũng biết các CLB đang thiếu gì, muốn gì?

Tân TGĐ VPF Cao Văn Chóng (giữa) nhận được rất nhiều sự ủng hộ. Ảnh: Cao Tường

Cứ siết chặt tay

Việc VPF rút ông Phạm Ngọc Viễn ngồi vào ghế Phó Chủ tịch thường trực HĐQT VPF là toan tính thận trọng, vì chính Chủ tịch HĐQT Võ Quốc Thắng còn không sát thực tế công việc ở VPF như cấp phó của mình. VPF làm có lớp, có lang và chắc chắn, một người như ông Cao Văn Chóng cũng hưởng lợi từ quyết định này.

Trên thực tế, với lộ trình 2 năm làm lái trưởng của VPF, ông Cao Văn Chóng cũng không đặt mục tiêu quá cao xa. Nếu để VPF biến thành cỗ máy kiếm tiền khổng lồ, 5 năm con tàu ấy được cầm lái bởi ông Phạm Ngọc Viễn, VPF cũng chưa đạt được con số mà thời bầu Kiên từng đề ra là thu 150 tỷ đồng/ mùa trong năm thứ 2. Dự thu mà VPF đặt mục tiêu cho mùa bóng 2016 là 131 tỷ đồng, còn kém mục tiêu tưởng như trong tầm tay khi VPF mới ra đời đến gần 20 tỷ.

VPF kiếm tiền nhiều ra sao, một tay ông Chóng chưa thể xoay chuyển. Quan trọng nhất, thách thức khó nhất mà ông Chóng phải làm được chính là tạo ra nền tảng cơ bản cho bóng đá Việt Nam để sau đó mới hái quả. Một nền bóng đá có sức cạnh tranh, chất lượng và không bị điều tiếng lèm nhèm rõ ràng khác hẳn với chuyện đưa một CLB như B.Bình Dương lên tới đỉnh cao.

Ông Chóng cần tu sửa cái cần câu, đúng hơn là “miếng mồi” cho chiếc cần ấy đủ sức hấp dẫn. Tất nhiên nếu muốn thành công, việc đầu tiên là tân Tổng giám đốc phải xóa nhòa cái rào cản của “phe CLB” và “phe VFF” trong chính VPF. Một chuyện tưởng chừng đơn giản, nhưng 5 năm qua, VPF đã loay hoay để rồi cơ thể bóng đá gần như giậm chân so với những mục tiêu lớn từng đề ra khi đơn vị này vừa xuất hiện.

Gia Huy

Tin cùng chuyên mục