Không ai vui gì khi la làng giữa đệm khuya tịch mịch vì “nhà không nuôi chuột nhưng chuột lại rút ngay bắp chuối”. Có lẽ vì ảnh hưởng của bóng đá nên vọp bẻ thường được hình dung qua hình ảnh của cầu thủ chân đơ cán cuốc trong khi đồng đội đang bở hơi tai lên công về thủ. Trên thực tế, không chỉ bắp chuối mà bắp thịt nào cũng có thể vọp bẻ, chẳng hạn bắp thịt hàm dưới sau cú ngáp quá trớn đến độ... trẹo họng, hay cơ thành bụng khiến nạn nhân dở khóc dở cười tiến thoái lưỡng nan. Không chỉ khác biệt về thể dạng, vọp bẻ có nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn vì:
+ Thiếu chất vôi, như ở đối tượng loãng xương, suy dinh dưỡng, bệnh tuyến giáp, rối loạn nội tiết tố;
+ Thiếu Magnê, như trường hợp thường gặp ở nạn nhân của stress, người thiếu máu do bệnh hoại huyết như bệnh nhân viêm loét dạ dày, sốt rét, rong kinh...;
+ Thiếu Kali như ở người dùng quá nhiều thuốc lợi tiểu, hoặc đổ mồ hôi quá nhiều vì làm việc nặng, hay chơi thể thao quá độ mà quên uống nước;
+ Huyết áp thấp do làm việc cật lực không kịp bồi dưỡng, hay thường gặp hơn nữa, ở người có thói quen không ăn sáng vì thiếu thời gian, hay sợ tốn tiền;
+ Đường huyết thấp vì thói quen ăn uống thất thường hay có 2 bữa ăn cách khoảng quá xa;
+ Rối loạn nội tiết tố như trong thai kỳ hay vào giai đoạn mãn kinh.
Muốn trị dứt cơn vọp bẻ phải chữa đúng nguyên nhân, thay vì nhắm mắt uống thuốc theo kiểu đau sao cũng vậy. Cách ăn uống vì thế cũng khác biệt chút đỉnh. Ví dụ:
+ Người thiếu chất vôi trong máu nên chú trọng vào các dạng thực phẩm như sữa, phô mai, sữa chua... Tất nhiên đừng vì thế mà uống sữa đến bội thực. Đừng quên là chất vôi cũng có trong nhiều món ăn khác như mễ cốc, rau cải, sữa đậu nành;
+ Người không đủ Magnê cần tăng các món như bánh mì, nui, khoai lang (tây hay ta cũng được), trong khẩu phần thay vì chỉ cơm trắng, canh chua cá kho tộ;
+ Nếu cơ thể thiếu Kali thì 2 món tráng miệng nên có trên bàn ăn là chuối và thanh long;
+ Với người có huyết áp quá thấp, ngoài biện pháp ăn mặn hơn và uống nhiều nước trong bữa ăn nên ăn vặt thường với các món có cam thảo như ô mai, hay trái cây ngâm cam thảo;
+ Với phụ nữ rối loạn nội tiết tố trong giai đoạn mãn kinh, hoạt chất cần thiết hàng đầu là dầu béo 3 Omega trong cá hồi, cá mòi, cá saba, cá basa...;
+ Nếu đường huyết quá thấp, không có giải pháp nào thực tiễn hơn là dằn túi với các loại trái cây sấy khô, trong số đó nên ưu tiên cho nho khô.
Có tăng có giảm mới đúng nghĩa biến động của cuộc đời. Trong tất cả trường hợp vọp bẻ nên giảm 2 món. Đó là cà-phê đen và các loại rau như rau dền, rau muống, rau đay vì các món này dễ gây thất thoát khoáng chất qua đường ruột.
Mười người hết chín thường cho là vô cớ bỗng bị vọp bẻ vì chuyện xảy ra bất ngờ. Trên thực tế vọp bẻ có nguyên nhân rõ ràng. Thêm vào đó, thường khi vì nếp sinh hoạt sai lệch sao đó nên nạn nhân cũng chính là... thủ phạm! Biết cách ăn uống sau khi bị vọp bẻ tất nhiên là chuyện phải làm. Nhưng khéo hơn nữa là chủ động sắp xếp chế độ dinh dưỡng sao cho đừng vọp bẻ! Tiên hạ thủ vi cường, đợi chi đến kêu trời giữa đêm khuya mới nghỉ đến cách ăn uống.
Bác sĩ LƯƠNG LỄ HOÀNG