Chúng ta không nên lấy chuyện nay để so sánh với chuyện xưa. Bóng đá Việt Nam không thể phát triển do yếu tố chiến tranh và gần như phải làm lại từ đầu sau ngày thống nhất đất nước. Sự chênh lệch về trình độ giữa Việt Nam và Nhật Bản chủ yếu nằm ở góc độ phát triển quá nhanh, quá mạnh mẽ của làng cầu xứ Phù Tang. Đó là một bài học không đơn giản để copy bởi có một yếu tố rất quan trọng: Thời gian.
Từ cái ngày tặng bóng đá Việt Nam “đôi giày nhỏ” đến lúc Nhật Bản dự World Cup lần đầu tiên là gần 40 năm (1959-1998) và đó là giai đoạn phát triển nhảy vọt của kinh tế Nhật Bản, đưa họ trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Nghĩa là dù có đầy đủ mọi sự thuận lợi, đặc biệt là tài chính, thì Nhật Bản cũng phải mất gần 3 thập kỷ để xây dựng nền bóng. Họ cũng phải thêm 2 thập kỷ nữa để tạo ra làn sóng cầu thủ ra nước ngoài thi đấu trước khi trở thành một đội tuyển có thể đánh bại Đức, Tây Ban Nha ở World Cup 2022.
Khi ông Troussier đến với Nhật Bản năm 1998, ông đã cùng Nam Phi dự cúp thế giới còn bóng đá Nhật Bản cũng đã có kỳ World Cup đầu tiên và chuẩn bị là nước đồng chủ nhà kỳ kế tiếp, nên có hẳn một bệ phóng để ông Troussier trở thành một tượng đài tại đất nước này và cả Asian Cup.
Nhưng câu chuyện của HLV Troussier và bóng đá Việt Nam thì hoàn toàn khác. Kể cả khi đã ở khá xa đỉnh cao sự nghiệp cầm quân, thì ông Troussier, trên bình diện của Asian Cup, vẫn là ngôi sao lớn hơn nhiều so với các học trò của mình. Bóng đá Việt Nam đương nhiên là rất kỳ vọng vào việc nhà cầm quân người Pháp sẽ làm được điều tương tự như với bóng đá Nhật Bản, nhưng cần phải thực tế, nền tảng của chúng ta không giống như bóng đá Nhật Bản.
Bây giờ, có thể ví bóng đá Việt Nam là “đôi giày nhỏ” so với bóng đá Nhật Bản, cũng không hẳn là khiêm tốn. Hãy xem kết quả chuẩn bị cho Asian Cup của Thái Lan và Indonedsia. Hai trận thua với tỷ số 0-5 trước lần lượt Nhật Bản và Iran, những ứng cử viên của chức vô địch Asian Cup. Nếu bổ sung thêm với thất bại 0-6 trước Hàn Quốc của Việt Nam ở đợt trận giao hữu hồi tháng 11, thì chúng ta có ngay một đáp án tương đối rõ ràng về cái gọi là khoảng cách giữa Đông Nam Á với tốp đầu châu lục.
Thái Lan là quốc gia Đông Nam Á dự nhiều kỳ Asian Cup nhất với 7 lần, nhưng lại giữ kỷ lục không vui, đó là có chuỗi trận không thắng dài nhất tại Asian Cup. Từ năm 1972 đến 2007, họ đá 18 trận mà không biết hương vị chiến thắng, trong đó có 10 trận thua. HLV Troussier có 9 tháng để chuẩn bị cho Asian Cup, có thể là nhiều so với một nhiệm kỳ của HLV trưởng nhưng như vậy cũng chưa bao nhiêu đối với một hành trình tìm đến đẳng cấp châu Á. Nếu chúng ta xem các kết quả thi đấu giao hữu của Thái Lan và đặc biệt là Indonesia, thì họ cũng loay hoay ghê gớm. Đội hình hiện nay của Thái Lan có nhiều thành viên của 2 chức vô địch AFF Cup gần nhất, còn Indonesia được HLV từng dự World Cup HLV Shin Tae-yong tuyển chọn, xây dựng suốt 4 năm qua. Vậy mà vẫn chưa đi được bao xa cả.
Bước vào sân cỏ tại Qatar lần này, chẳng có cầu thủ Việt Nam nào được xem là ngôi sao quốc tế cả, ngoài ông thầy của họ. Cũng chỉ có HLV Troussier là người duy nhất nhận được sự tôn trọng của phía Nhật Bản trong trận đấu chênh lệch về chuyên môn. Năm 2007, Việt Nam để thua Nhật Bản 1-4 ở vòng bảng và thua Iraq 0-2 ở tứ kết. Đến năm 2019, Việt Nam thua Iraq 2-3 ở vòng bảng và Nhật Bản 0-1 ở tứ kết. Không thể phủ nhận những bước tiến đáng kể về trình độ qua 2 kỳ Asian Cup ấy, nhưng như đã thấy, Nhật Bản còn tiến nhanh hơn ở tầm thế giới.
Đó chính là bài toán mà HLV Troussier phải tìm lời giải ở Asian Cup lần này. Nó không phải là có tái lặp thành tích của 2 kỳ giải trước được hay không, mà là chơi như thế nào, theo cách gì, để vừa tránh được các trận thua “vỡ mặt” mà vẫn tìm thấy “cửa thắng”. Thái độ chơi bóng, thế trận đối phó, số cơ hội ở một phần ba sân đối thủ, là những chi tiết để xác định những gì mà HLV Troussier đã làm trong suốt thời gian qua. Nói cho cùng, 2 lần vào tứ kết của Việt Nam cũng đã là thành tích tốt nhất của bóng đá Đông Nam Á tính từ năm 1968 đến nay.