Vì “nghèo” quá?

Để giành quyền dự VCK U.23 châu Á với 3 trận đấu mà thực tế là chỉ cần thắng U.23 Malaysia là đủ thì U.23 Việt Nam đã phải tập trung 2 tháng ngay sau Tết Nguyên đán, đá tổng cộng 5 trận giao hữu trong đó có 2 trận theo kiểu nội bộ với HN T&T, Đồng Nai cùng 3 trận đấu có chất lượng với Indonesia, Uzbekistan và Thái Lan. Những trận đấu này diễn ra ở nhiều nơi khác nhau, tạo cho U.23 Việt Nam một sự chuẩn bị tương đối hoàn hảo.

Ấy vậy mà khi chuẩn bị cho đợt “leo núi” cực kỳ gian khó tại Qatar, VFF chỉ xếp được 4 trận đấu. Không khó để nhận thấy, cả 4 trận đều chẳng tốn một đồng xu tiền tổ chức khi 2 trận giao hữu với JLF Selection chỉ là đấu tập còn trận giao hữu với Cezero Osaka thì tổ chức thành một trận đấu Cúp, có bán vé thu tiền còn chi phí thì nhà tài trợ chi trả hết. Sau đó, U.23 Việt Nam sang luôn Qatar và đá trận cuối cùng với U.23 Nhật Bản tại đây, hết sức tiện lợi.

Lãnh đạo VFF xem đội U.23 Việt Nam thi đấu với CLB hạng 4 Nhật Bản.

Sự bất hợp lý của 2 đợt tập trung khiến người ta đặt câu hỏi: Tiền của VFF dùng làm việc gì? Tại sao để U.19 Việt Nam đá VCK châu Á thì có hàng chục trận, đi sang tận châu Âu để tập huấn nhưng đội U.23 với trách nhiệm nặng nề hơn lại chẳng khiến VFF tốn một đồng?

Mặt khác, ở yếu tố chuyên môn thì không có lúc nào thuận tiện để xếp các trận giao hữu chất lượng cao tốt hơn ở thời điểm trước những VCK châu lục bởi tất cả các đội bóng tham gia đều có nhu cầu đá tập. Ấy vậy mà không có nổi 1 trận đá với các đại diện đến từ Tây Á trong khi các đối thủ của U.23 Việt Nam tại VCK là Jordan, UAE và Australia.

Chúng ta không quá hy vọng vào thành tích tốt của U.23 Việt Nam tại VCK nhưng chí ít, cũng cần có được sự chuẩn bị nghiêm túc cho sân chơi lớn nhất mà U.23 Việt Nam từng có mặt. Không lẽ, mọi chuyện lại đến từ năng lực của Miura?

Việt Long

Tin cùng chuyên mục