Chiếc ghế Chủ tịch Hội đồng HLV Quốc gia đang bỏ trống có ứng viên sáng giá nhất là cựu Giám đốc Kỹ thuật B.Bình Dương Mai Đức Chung. Nhưng…
“Tạm trú” nhất thời
Ông Mai Đức Chung được chính Phó Chủ tịch chuyên môn Trần Quốc Tuấn - người vừa rút khỏi chiếc ghế này, đề cử vào vị trí bỏ trống ở cuộc họp BCH VFF vừa qua. Tuy nhiên, khác với lệ thường, đề cử của ông Tuấn không được các ủy viên BCH thông qua nhanh chóng. Cũng vì thế, ông Chung từ vai trò ứng viên sáng giá bỗng nhiên trở lên… bấp bênh.
Với hấp lực từ B.Bình Dương, ông Chung từng chia tay vị trí phụ trách các ĐTQG. Ảnh: Quang Thắng
Sở dĩ ông Chung không được ủng hộ tối đa cho vị trí trên là do cái vết từ lần chia tay ghế Trưởng phòng các ĐTQG. VFF đã chìa tay, kéo ông Chung về sau khi HLV này nghỉ cầm quân tại Thanh Hóa. Tuy nhiên, với hấp lực từ B.Bình Dương, ông Chung nhanh chóng chia tay vị trí phụ trách các ĐTQG chỉ sau không đầy nửa năm ngồi ở chiếc ghế này. Cho nên, người ta có quyền đòi hỏi: một khi dùng lại ông Chung, ghế Chủ tịch Hội đồng HLV Quốc gia có lại bỏ trống nếu vị HLV mát tay nhận được một lời đề nghị hấp dẫn từ phía các CLB?
Lý lẽ của các ủy viên BCH khiến VFF không thể thông qua ngay tắp tự. Vòng “tuyển chọn” đã xuất hiện, với đề nghị từ Thường trực VFF gửi đến các CLB, ủy viên BCH đề xuất, trước khi Chủ tịch VFF ra quyết định bổ nhiệm. Nhưng rõ ràng, việc ông Chung về rồi lại bỏ đã làm lộ ra một vấn đề: VFF không phải miền đất hứa. Nó lý giải vì sao, những HLV được đánh giá là hàng đầu như Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thắng… nhất định không hợp tác với VFF. Có chăng chỉ là những người sa cơ lỡ vận hoặc… rỗi việc như ông Chung hay HLV Hoàng Anh Tuấn.
Trao kiếm hành động?
Ở VFF lúc này, không chỉ ghế Chủ tịch Hội đồng HLV Quốc gia chưa có chủ mà ngay cả ghế Trưởng phòng các ĐTQG đã bí người đảm trách. Ông Lê Hoài Anh, Tổng thư ký VFF, đang phải kiêm nhiệm vai trò này, dù ông “Tổng” này vốn dĩ không phải là dân bóng đá gốc. Ngay như một chuyên viên phòng này là HLV Phạm Như Thuần đã lẳng lặng đầu quân cho Than Quảng Ninh. Cho nên, khi đề cập đến công việc của HLV Miura ở tuyển Việt Nam, phải thừa nhận thực tế là ông thầy người Nhật không cô đơn cũng phải tự lực cánh sinh vì thiếu người hỗ trợ đích thực.
Thực ra không thể trách cứ những cú “đảo kèo” của ông Mai Đức Chung hay Phạm Như Thuần, bởi họ cũng có lý do riêng, nhất là tài chính, để quyết định rời VFF. Nhưng mắc mứu lớn nhất trong việc giữ người tài của VFF chính là cơ chế để làm việc, cống hiến. Cái ghế Chủ tịch Hội đồng HLV Quốc gia tiếng là rất to, nhưng bao lâu nay chỉ hữu danh vô thực. Trong khi đó, nếu muốn vận hành và sử dụng nguồn lực này, đương nhiên VFF phải mở hầu bao. Một Phó Chủ tịch VFF đã khẳng định trong cuộc họp BCH rằng, nếu muốn tận dụng chất xám, sử dụng thường xuyên thì phải có cơ chế hỗ trợ, sử dụng chứ không thể để các thành viên của hội đồng này “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”.
Theo tính toán của VFF, Chủ tịch Hội đồng HLV Quốc gia có thể giữ luôn vai trò Giám đốc Kỹ thuật của VFF. Có nghĩa vai trò này chỉ kém chút đỉnh so với vị trí Phó Chủ tịch chuyên môn của ông Trần Quốc Tuấn. Điều đó buộc VFF không thể kén tuyển một cách sơ sài, đơn giản. Quan trọng nhất, VFF phải thoát được cảnh dựng lên ngồi ghế mà không trao ấn kiếm làm việc. Có thế thì việc giữ người mới khả thi cho VFF khi những vị trí đang thiếu và nhất là VFF không phải là miền đất hứa.
Thanh Chi