VFF cũng “chạy ghế”

1. “Chạy ghế”, tức là thông qua mối quan hệ hoặc có thể là dùng tiền để tìm cho mình một chỗ ngồi tốt hơn, là một vấn đề nhức nhối trong mọi lĩnh vực của xã hội, đặc biệt là ở những đơn vị, tổ chức nắm giữ nhiều quyền lực cũng như tiền bạc. “Chạy ghế” thì ở đâu cũng có, nhưng việc nó xuất hiện tại LĐBĐ Việt Nam (VFF) đã gây ra không ít bất ngờ.

Thứ nhất, VFF trong thời gian gần đây không còn là một nơi “thơm tho” nữa. Bằng chứng là ở kỳ đại hội nhiệm kỳ 7 giữa năm trước, đâu có ai muốn ứng cử vào các chức danh chủ chốt của VFF, từ đó mới có cảnh ông Lê Hùng Dũng và ông Trần Quốc Tuấn “một mình một ngựa” trong cuộc đua vào các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch. Rồi phải “năn nỉ” mãi, bầu Đức mới chịu ngồi vào vị trí phó chủ tịch tài chính.

Thứ hai, VFF là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, hiểu nôm na là việc tham gia hoàn toàn tự nguyện theo kiểu “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, người làm việc tại VFF phải cống hiến năng lực cho sự phát triển chung của nền bóng đá.

Thế nhưng, vừa qua có vụ việc một cựu trưởng bộ phận trong VFF làm đơn tố cáo 2 vị lãnh đạo cao nhất của tổ chức này đã nhận hối lộ. Mọi chuyện vẫn chưa rõ đúng - sai, nhưng có một điều chắc chắn là chuyện “chạy ghế” tồn tại rất lâu trong bộ máy VFF. Người hâm mộ bóng đá cảm thấy vô cùng bức xúc khi sự việc xảy ra trong bối cảnh bóng đá Việt Nam vẫn đang tụt hậu so với bóng đá Thái Lan. Rõ ràng, bóng đá Việt Nam cần thêm người có tâm huyết, dám hy sinh cho nền bóng đá mới mong thoát khỏi cảnh thiếu trước, hụt sau về tiền bạc, tiêu cực tràn lan còn thành tích các đội tuyển thì đi xuống. Đằng này, ngay chính bộ máy VFF vẫn còn nặng cơ chế xin - cho thì lấy đâu ra người làm việc.

Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đưa ra nhiều lời hứa cải tổ VFF. Ảnh: QUANG THẮNG

2. Theo phân tích của cựu thành viên VFF khóa 3 - 4, chuyên gia Vũ Mạnh Hải thì sở dĩ VFF tồn tại chuyện “chạy ghế” là do tính nghề nghiệp ít hơn tính xã hội của tổ chức này. Đa số các bộ phận của VFF đều mang tính chuyên môn, nhưng nếu không có sự tham gia của những người từng là cựu cầu thủ thì rõ ràng, ai ngồi ghế nào cũng được vì chẳng có cơ sở nào đánh giá năng lực của những người đứng đầu các bộ phận.

Theo Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, người làm đơn tố cáo ông chỉ vì bất mãn khi ông không đồng ý để người này chuyển công tác về làm trưởng phòng các đội tuyển. Chuyện “chạy ghế” sẽ không xảy ra nếu vị trí quan trọng này do một “cây đa - cây đề” trong làng bóng đá đảm nhiệm, đằng này chiếc ghế đó ai ngồi cũng được nên người ta mới nghĩ đến chuyện “chạy”.

Tính phi chuyên môn của VFF khóa 7 đã được nói đến rất nhiều, tiêu biểu như vị trí Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia hiện do Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn đảm nhiệm, dù ông này chưa từng làm cầu thủ chuyên nghiệp hoặc nghiên cứu sâu về bóng đá. Bộ máy điều hành (phòng chức năng) tại trụ sở VFF hiện có đến 72-73 người, vô cùng cồng kềnh cho dù các ban chức năng của VFF đều do những người ngoài xã hội đảm nhiệm. Người đông, công việc “thơm tho” thì ít, trình độ, uy tín ai cũng như ai, đương nhiên là dẫn đến chuyện “chạy ghế”. Mà đã như vậy thì VFF đâu còn là tổ chức đại diện cho quyền lợi của nền bóng đá nữa.

ĐĂNG LINH

Tin cùng chuyên mục