Ông Miura đang bị công kích kịch liệt và chọn giải pháp im lặng. Chỉ lạ một điều, VFF cũng đang… dửng dưng với chính ông thầy người Nhật.
Người Nhật cô đơn
Chưa có phản kháng nào được HLV Miura đưa ra trước làn sóng chỉ trích, thậm chí dè bỉu. Ông thầy người Nhật vẫn cần mẫn tập trung lo cho U.23 Việt Nam. Mọi thứ đều bền bỉ, giống như việc HLV Miura đang bỏ ngoài tai mọi lời công kích.
Thật ra thì sự cô đơn của ông Miura đã tồn tại gần 2 năm qua, kể từ khi ông thầy người Nhật đến Việt Nam. Nó rất khác với những người tiền nhiệm trước đây trên chiếc ghế HLV trưởng tuyển Việt Nam. Ông Miura dường như không có “cạ”, kiểu như A.Riedl hay Calisto trước đây thường được chống lưng từ một vài quan chức VFF. Cho nên, khi những người Nhật như cựu Trưởng giải Tanabe, HLV trưởng đội nữ Việt Nam Takashi lần lượt trở về nước, ông Miura càng cô đơn.
Mọi chuyện ông Miura chỉ cần bàn bạc với Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn (phải) hay Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh. Ảnh: Minh Hoàng
Vài ngày trước, ông Miura có hé lộ về tình trạng “một mình” của ông khi làm việc tại Việt Nam. Ông Miura bảo rằng, ở các LĐBĐ khác đều có Giám đốc kỹ thuật, đằng này ở VFF thì mọi việc đều đến tay ông. Vì vậy, trong công việc, ông Miura chỉ cần bàn bạc với Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn hay Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh. Có nghĩa chính ông Miura cũng hiểu sự cô đơn, lạc lõng và cần có thêm “cạ”, vừa để san sẻ áp lực công việc, vừa để bầu bạn. Nhưng…
Cái khác nữa của ông Miura là ê-kíp trợ lý cũng chưa đủ tầm vóc làm vơi đi sự cô đơn, chia sẻ trách nhiệm. Điều đó rất khác với thời HLV Calisto, khi thầy Tô có trợ lý Phan Thanh Hùng đủ sức cáng đáng, gửi gắm lúc cần. Trong khi đó, những trợ lý của ông Miura lúc này đơn giản là hỗ trợ công việc.
Điểm tựa ở đâu?
Một câu hỏi rất đơn giản nhưng khó trả lời lúc này: Ông Miura có điểm tựa hay không? Sự thiếu hài lòng của bầu Đức dành cho HLV người Nhật làm ông Miura bị tấn công ngay ở VFF. Đấy chẳng phải là chuyện lạ ở các đời HLV ngoại trước đó. Nhưng bây giờ, nó là màn tấn công trực diện, công khai chứ không theo kiểu ngấm ngầm, không hài lòng như trước đó.
Thực tế là khi ông Miura không bị sa thải sớm, VFF đã bị chia rẽ sâu sắc. Những người quyết giữ ông Miura lại đã không đứng ra bảo vệ trước công luận, khi làn sóng chỉ trích xảy đến. Không có một người nào có đủ bản lĩnh thực sự để đứng ra chia sẻ trách nhiệm cùng ông Miura, kể cả những người thường xuyên làm việc, trao đổi với ông thầy người Nhật. Đấy là điều tệ hại nhất, thậm chí còn chua chát hơn cả những chỉ trích công khai của bầu Đức.
Ông Miura lúc này lo chăm bẵm, xây dựng cho U.23 Việt Nam. Ông thầy người Nhật cũng hiểu rõ việc mình khó được gia hạn hợp đồng, sau khi bản hợp đồng 2 năm đáo hạn vào tháng 4 tới. Nhưng một khi nhiệm vụ còn và vẫn còn cố giữ ông Miura ngồi trên chiếc ghế lèo lái U.23 Việt Nam, tại sao không có cánh tay nào ở VFF đủ dũng cảm chìa tay làm chỗ dựa.
Giữ ghế không đổ đã là sự ban ơn và trách nhiệm với ông Miura?
THANH CHI