Trách nhiệm của “người lớn”

Các nhà tổ chức giải U.21 quốc tế đã đúng khi mời các cầu thủ trẻ HA.GL tham gia với tư cách đội đương kim vô địch.

Các nhà tổ chức giải U.21 quốc tế đã đúng khi mời các cầu thủ trẻ HA.GL tham gia với tư cách đội đương kim vô địch.

 Được đá ở một sân chơi phù hợp với lứa tuổi, họ như “cá về với nước”, tìm lại niềm vui chơi bóng và giúp giải đấu thành công ngoài mong đợi ở năm thứ hai liên tiếp. Người hâm mộ cũng tiếp tục sát cánh cùng bóng đá trẻ, điều không phải nền bóng đá nào cũng có được. Bầu Đức, đại diện cho các nhà đầu tư bóng đá, cũng đã lên kế hoạch đưa phần lớn các cầu thủ trẻ của HA.GL ra nước ngoài thi đấu, một hình thức “du học” trong bóng đá.

Nhưng quanh đi quẩn lại, đấy chỉ mới là việc của xã hội tham gia đóng góp cho bóng đá Việt Nam, vẫn không thấy các nhà quản lý đưa ra một chương trình hành động gì cho bóng đá trẻ, dù chưa bao giờ bóng đá trẻ Việt Nam “được mùa” như năm nay.

Hơn một thập niên trước, bóng đá Việt Nam cũng từng hưởng lợi từ một làn sóng trẻ tương tự. Nếu các cầu thủ HA.GL đánh bại U.19 Hàn Quốc thì Phạm Văn Quyến từng ghi bàn duy nhất giúp Việt Nam gây chấn động thế giới khi hạ tuyển Hàn Quốc, đội bóng hạng 4 thế giới khi đó. Thế hệ của Văn Quyến cũng đã từng vào đến 2 trận chung kết SEA Games, từng là các chủ nhân của 7 danh hiệu QBV Việt Nam. Nhưng cũng chính thế hệ ấy, đa số đều không chơi bóng hết sự nghiệp đỉnh cao do lỗi của người lớn chỉ biết triệt để khai thác tài năng của họ cho các mục đích ngắn hạn thay vì tạo cho họ một môi trường để họ có thể thăng hoa trọn vẹn.

Việc bầu Đức đưa nhiều cầu thủ của ông sang Nhật Bản, ngoài yếu tố kinh doanh, chủ yếu vẫn là tìm cho họ một môi trường tốt hơn. Sau năm đầu tiên đưa họ lên V-League, có lẽ bầu Đức cũng đã “thấm” cái sự khắc nghiệt của giải đấu số 1 Việt Nam, nơi hoàn toàn không có đất cho thứ bóng đá vị nghệ thuật, phục vụ khán giả. Bản thân bầu Đức cũng không thể bảo vệ “những cậu bé” của mình, giải pháp duy nhất chính là tìm cho họ môi trường khác để phát triển.

Sau rất nhiều biến cố, thất bại, bóng đá Việt Nam hơn một lần nói về trách nhiệm của “người lớn”, đặc biệt là các nhà quản lý tại VFF cũng như các CLB. Thói quen chạy theo thành tích, đốt giai đoạn vẫn không thay đổi. Nhiều cầu thủ mới tỏa sáng trong lứa tuổi 18-19 đã vội vã được đôn lên đá V-League dưới bình phong trẻ hóa. Các CLB thì bị động trong việc sử dụng cầu thủ khi số lượng trận đấu dành cho bóng đá trẻ trong năm rất ít ỏi, tiêu biểu “tiền chuyên nghiệp” như U.21 mỗi năm chỉ đá tối đa 8 trận. Bóng đá cấp độ học sinh, sinh viên được khoán cho ngành giáo dục. Các sân chơi bóng đá trẻ (giải U.17, U.21) được khoán cho các đơn vị xã hội tổ chức trong khi đó, đây lại chính là nhiệm vụ quan trọng nhất của VFF, cơ quan định hướng chiến lược cho bóng đá nội địa.

Trong dàn lãnh đạo của bóng đá Việt Nam ngồi trên khán đài VIP ở sân Thống Nhất tại giải U.21 vừa qua, liệu có mấy ai suy nghĩ về điều này sau khi được vui vẻ nhìn hình ảnh chơi bóng đầy cảm hứng của các cầu thủ trẻ. Liệu có ai suy nghĩ, tại sao bên cạnh hình ảnh của một HA.GL làm say mê trái tim các CĐV thì cũng ở giải U.21 quốc gia, có đến 2 tuyển thủ U.23 Việt Nam bị treo giò đến 3 trận vì có hành vi xúc phạm trọng tài. Không thể cứ đẩy hết trách nhiệm phát triển bóng đá trẻ cho các CLB theo kiểu “được cái gì, tốt cái đó” đầy may rủi. Bầu Đức đam mê bóng đá, không tiếc đồng tiền mình đầu tư thì mới quyết định đưa cầu thủ sang Nhật, dù điều này ảnh hưởng đến HA.GL trong mùa bóng năm sau. Nhưng cả làng cầu, đâu phải ai cũng làm được như bầu Đức, có ý thức gìn giữ và bảo vệ cái tài năng đúng tầm.

Chu Ngọc

Tin cùng chuyên mục