1. Dù chẳng thi đấu gì cả suốt từ tháng 7 năm trước đến nay nhưng đội tuyển Việt Nam vẫn tiến ào ào trên bảng xếp hạng FIFA và lần đầu tiên kể từ năm 2004, trở lại với tốp 100 FIFA, tạm xếp 14 của châu Á. Một tin vui dù không biết phải… gọi thế nào cho đúng nghĩa.
Mới hôm kia, trong cuộc hội thảo chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do VFF tổ chức, các chuyên gia đều đánh giá chúng ta cần đến 20 năm nữa mới có khả năng vào đến tốp 10 châu Á. Là tầm nhìn 20 năm, nghĩa là cũng chỉ kỳ vọng mà thôi, với điều kiện chúng ta đi đúng lộ trình.
Nếu so với việc lọt vào tốp 100 FIFA thì kết luận tại hội thảo dễ làm người ta phật ý. Nhưng điều đó là thực tế, ít nhất là dựa trên những gì mà bóng đá Việt Nam đang có chứ không phải căn cứ vào bảng xếp hạng FIFA rất tương đối kia. Để thấy được sự tương đối của bảng xếp hạng FIFA, có thể dẫn chứng: Năm 2006, thời điểm bóng đá Việt Nam thi đấu liên tục thì chúng ta có thứ hạng 172, thấp nhất kể từ FIFA tạo ra bảng xếp hạng. Nghĩa là cứ thi đấu nhiều, thua nhiều thì sẽ tụt hạng. Không thi đấu gì cả, đôi khi còn đưa chúng ta trở lại với tốp 100.
2. Thật may là những nhà chuyên môn của bóng đá Việt Nam đã không bị ảo tưởng bởi cái danh hão ấy. Trong vòng 20 năm tới, bóng đá Việt Nam cần nâng cao chất lượng các giải bóng đá VĐQG và các giải khác trong hệ thống thi đấu quốc gia; quy hoạch đào tạo VĐV năng khiếu, VĐV bóng đá trẻ; phát triển bóng đá phong trào; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực làm công tác quản lý, điều hành, tổ chức hoạt động bóng đá…, một loạt công việc mà theo các chuyên gia tại hội thảo thì vẫn còn ngổn ngang, chưa đâu vào đâu.
Vì vậy, tham vọng lớn nhất trong vòng 10 năm tới là cố gắng vô địch AFF Cup hay SEA Games được 2 - 3 lần, giữ hạng trong tốp 15 châu Á. 10 năm kế tiếp, khi các VĐV trẻ được đào tạo bài bản, tập trung tại các học viện bóng đá, trung tâm đào tạo bóng đá trẻ, tạo sự vững mạnh về tổ chức, tự chủ về kinh phí hoạt động đối với LĐBĐVN nói chung và đối với các CLB nói riêng thì lúc đó mới nói chuyện có mặt trong tốp 10 châu Á.
Ý kiến của các chuyên gia hoàn toàn khác với định hướng chiến lược của VFF khi cho rằng, đến năm 2020 thì Việt Nam sẽ vào được tốp 10 châu Á. Rõ ràng, những nhà chuyên môn không thể lạc quan hơn cho tiền đồ bóng đá nước nhà khi đến nay, mọi thứ làm nền sức mạnh của làng cầu nội địa đều chỉ ở giai đoạn bắt đầu. Hệ thống đào tạo trẻ đang khủng khoảng. Cầu thủ chưa chuyên nghiệp, còn các giải nội địa thì vẫn đầy rẫy bạo lực và chất lượng thi đấu khá thấp.
Thất bại tại SEA Games 26 đã cho thấy thực trạng đáng buồn ấy. Nên dù là đang ở tốp 100 FIFA thì bóng đá Việt Nam vẫn cần đến 20 năm nữa…
Thúy Oanh