Hôm qua, trên website của LĐBĐ Việt Nam đã đăng tải thông tin về việc V-League 2015 đã có nhà tài trợ “khủng”. Theo đó, VPF gần như đã hoàn tất quá trình thương thảo và chuẩn bị công bố nhà tài trợ cho giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam. Được biết, đây là một đối tác ngoại, nhiều khả năng là “đại gia” trong lĩnh vực sản xuất ô tô - Tập đoàn Toyota, và mức tài trợ sẽ không hề thấp hơn con số 30 tỷ đồng mà Eximbank đã tài trợ ở những mùa giải trước.
Việc V-League tìm được nhà tài trợ khi thời điểm khởi tranh mùa giải mới chỉ còn nửa tháng quả thật là tín hiệu rất đáng mừng cho bóng đá Việt Nam. Không những vậy, với việc nhà tài trợ mới hào phóng đưa ra gói tài trợ có giá trị cao chứng tỏ VPF không hề kém trong việc kiếm tiền và V-League vẫn không hề... rớt giá như nhiều người vẫn lo ngại. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ không hề đơn giản.
Cả V-League cùng thở phào khi chuẩn bị đón nhà tài trợ mới thay thế Eximbank.
Trước hết, với những nhà tài trợ là doanh nghiệp nước ngoài, mọi thứ cần phải hết sức rõ ràng. Tiền tài trợ được sử dụng vào việc gì, với mục đích gì... đều phải được công khai. Thế nhưng, với bóng đá nói riêng và cơ chế làm ăn ở Việt Nam nói chung, chuyện mọi thứ rõ ràng có thể xem là điều khó khả thi. Đơn cử như việc BTC giải thường có khoản chi gọi là “hỗ trợ các CLB” tham dự giải, với doanh nghiệp nước ngoài, đây là điều rất khó được chấp nhận. Đơn giản là với họ, một khi đã chấp nhận tham gia vào cuộc chơi, bạn cần phải đáp ứng đầy đủ mọi tiêu chí, yêu cầu của cuộc chơi.
Mặt khác, doanh nghiệp nước ngoài khi bỏ tiền ra tài trợ cho các giải thể thao, họ luôn đòi hỏi quyền lợi của mình phải được bảo đảm một cách tốt nhất. Các CLB Việt Nam tham dự AFC Champions League hay AFC Cup hẳn không lạ gì chuyện đại diện BTC giải luôn giám sát rất kỹ càng và sẵn sàng yêu cầu BTC địa phương phải thay đổi nhiều thứ, để bảo đảm quyền lợi cho nhà tài trợ, thậm chí đến cả cái nhãn chai nước lọc trên bàn họp báo cũng phải lột bỏ, nếu không phù hợp. Trong khi đó, năng lực quản lý, điều hành theo mô hình chuyên nghiệp của các đội bóng trong nước vẫn còn rất yếu. Mỗi khi có chuyện, tâm lý giải quyết trên cơ sở tình cảm, “tặc lưỡi cho qua” vẫn còn rất phổ biến. Điều này sẽ không được phép xảy ra, nếu những chuyện như thế có liên quan đến nhà tài trợ ngoại.
Một khi đã bỏ tiền ra tài trợ, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ ràng buộc trách nhiệm giữa các bên rất lớn, bằng các điều khoản chi tiết, cụ thể trong hợp đồng. Và mọi vấn đề có liên quan, đều phải được giải quyết rõ ràng trên cơ sở của hợp đồng, của luật lệ. Với VPF, đây sẽ là khó khăn, thách thức không nhỏ bởi trên thực tế, bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể gọi là chuyên nghiệp, từ cách quản lý, điều hành cho đến tư duy của các vị lãnh đạo, các ông bầu. Cứ cái kiểu thích thì chơi, không thích thì bỏ hay đang đá mà xin nghỉ nửa chừng vì hết tiền của các đội bóng như đã từng xảy ra trong quá khứ, e rằng VPF khó mà yên ổn, dù V-League 2015 đã tìm được nhà tài trợ khủng.
Phi Hải