Hôm qua, ngồi trò chuyện với các HLV mới thấy, dường như đã đến lúc mà sự cảnh giác của các đội bóng được đẩy lên cao độ. Nói một cách nào đó, có vẻ như chính những người làm bóng đá ở Việt Nam không tin vào sự trong sáng của giải đấu. Có thể vì họ thiếu tự tin, cũng có thể họ thừa kinh nghiệm...
Vòng đua tử thần
Bắt đầu từ lượt 18 trở đi, giải đấu không còn nhiều, thậm chí các đội bóng đã tính rõ rằng, chỉ cần có được 33 điểm là đủ trụ hạng. Nó đồng nghĩa với việc một số đội bắt đầu chạm ngưỡng, hoặc gần ngưỡng sẽ không còn căng sức ra để thi đấu như trước. Đơn giản, bởi không ít đội bóng chỉ đặt mục tiêu trụ hạng, mà nếu chỉ để trụ hạng thì đâu cần phải chơi như một đội bóng phải có... thứ hạng (!?).
Mới đây, việc K.Khánh Hòa thua dễ trước Hà Nội T&T, nhưng lại thắng đậm SHB Đà Nẵng sau đó, khiến nhiều đội sốt vó. Họ lo, bởi đôi khi trận đấu không nằm trong vòng kiểm soát của mình, cũng như bởi các cầu thủ có những toan tính riêng. Tất nhiên, cũng không ít HLV bắt đầu lo nghĩ và kiểm tra lại xem họ còn bao nhiêu mối quan hệ, và mối quan hệ ấy cần được “bù đắp” thế nào?!
Người ta gọi những lượt đấu còn lại là “vòng đua tử thần”, bởi người ta tin, bắt đầu từ vòng đấu này trở đi, không chỉ các trọng tài mới “ảnh hưởng” đến trận đấu, mà việc “canh chừng” người trong nhà cũng quan trọng không kém. Nói như lãnh đạo đội K.Khánh Hòa thì “ở thời điểm này... bác sĩ nhiều lắm. Họ... chích các cầu thủ của các đội khác bằng nhiều cách, trong đó có cả cách dạm lời mời về thi đấu ở mùa sau với cái giá ngất ngưỡng để các cầu thủ phân tâm”.
Rõ ràng, mục đích của những đòn phù phép ấy chính là để bước đường đến ngôi vô địch, hoặc trụ hạng thành công trở nên an toàn và dễ dàng hơn. Nhiều HLV cay đắng cho biết, chẳng nói đâu xa, khi mà mùa trước VFF kêu là giải thành công tốt đẹp thì nhiều đội đã “cắn trái ớt”. Cái cách mà HLV Vũ Quang Bảo khi ấy còn là HLV trưởng đội QK4 tuyên bố thẳng thừng: “QK4 trụ hạng là may mắn thôi, chứ người ta muốn đội khác trụ hạng kia” đã nói lên tất cả.
Đội nào vào tầm ngắm?
Tất nhiên, những đội bóng đang lửng lơ ở vị trí giữa bảng chính là “niềm tin yêu và hy vọng” của nhiều đội này, nhưng lại cũng là “nỗi lo” của những đội kia. Ở thời buổi mà nhiều cầu thủ ra sân thậm chí không nghĩ đến màu cờ sắc áo chi cả, họ chỉ nghĩ đến lương và tiền thưởng, nếu có được 3 điểm, thì khó tránh được việc so sánh giữa tiền và tiền.
Chẳng phải vô cớ mà trên sân Vinh trước đây, người ta đã từng gặp khẩu hiệu “Hoan hô đội bóng tỉnh ta, đi làm kinh tế ở xa mới về”, bởi việc một đội bóng thường xuyên trụ hạng thành công, và thường xuyên thua bất tử như SLNA chẳng còn là của hiếm với bóng đá Việt Nam. Thế nên, nhiều HLV nói thẳng, vấn đề bây giờ là “hãy trả giá đúng”, vì đôi khi các đội bóng đã trụ hạng bỗng dưng vẫn chơi rất máu lửa, đó là khi họ đá giúp một đội bóng khác chứ chẳng phải tự nhiên mà được vậy.
Những đội bóng được chính người trong cuộc đưa vào diện “đáng lưu tâm”, ngoài SLNA, còn có K.Khánh Hòa, CS Đồng Tháp, thậm chí đương kim vô địch SHB Đà Nẵng cũng ở diện này, khi có vẻ như khát vọng giữ chức vô địch của họ đang mờ nhạt dần qua việc thua liên tiếp 2 trận trước K.Khánh Hòa và HA.GL. Trong khi K.Khánh Hòa và CS Đồng Tháp thì đã rõ, với việc lãnh đạo những đội bóng này cứ khăng khăng trụ hạng là thành công, nên khó mà trách được các cầu thủ 2 đội bất ngờ lơi chân. Hơn nữa, việc các cầu thủ Đồng Tháp mùa này hết hợp đồng khá nhiều, và họ đang phải giữ chân để bảo đảm chuyện thương lượng hợp đồng mới cho an toàn, chính là yếu tố để các đội bóng khác “khai thác” triệt để.
Người ta tin rằng, từ lượt đấu này (tức thứ 18) trở đi, những “bất ngờ” sẽ liên tiếp diễn ra. Các HLV bắt đầu cảnh giác rất kỹ với chính cầu thủ của họ, không phải vô cớ mà mới đây các đội bóng như K.Khánh Hòa, CS Đồng Tháp quyết định quản quân kỹ hơn, thậm chí dùng cả biện pháp cấm trại, thu điện thoại cũng đã được nhiều đội dùng đến.
Câu chuyện cảnh giác, xem ra đang được các đội bóng “đọc” hàng ngày.
PHẠM HOÀNG