Vừa nói chuyện với đứa em thi đại học. Nó gặp khó khăn nghiêm trọng với môn Văn, vấn đề muôn thuở của mấy thằng con trai khô khan yếu các môn xã hội. Ngồi một hồi để tư vấn cho nó vài lời khuyên, nhớ lại chuyện ngày xưa mà thấy vừa ngậm ngùi vừa cay đắng.
Thời cấp 3, mình đăng ký thi chuyên Văn vì hồi đó với mình học Văn dễ như uống nước, mỗi giờ học là mỗi giờ vui, mỗi đề bài đều tìm ý hay ý mới để viết, nên hầu như lúc nào điểm cũng cao nhất lớp. Đậu vô lớp chuyên, tưởng việc học dễ như húp cháo, học mà như chơi, ai ngờ tan tành giấc mộng. Chương trình học nhồi nhét khủng khiếp, lớp 10 thì học chương trình lớp 11, lớp 11 thì học tiếp chương trình lớp 12, rồi lớp 12 thì ôn lại những bài cũ. Ngày nào cũng có vài bài tập làm Văn dài 2- 3 tờ giấy đôi cần viết, mỗi bài thơ, truyện ngắn là 3- 4 bài tập làm Văn khác nhau, hết đề này tới đề khác. Ý tưởng đâu mà đẻ ra liên tục như vậy, nên nhiều khi mình phải xào nấu những bài cũ, cắt xén ý này ý nọ ráp vô. Mấy thầy dạy chuyên (xin lỗi các thầy) cứ lên lớp giảng một hai ba bốn ý, cứ như vậy mà chép vô.
Mỗi giờ học dài lê thê như địa ngục, không đứa nào dám phát biểu ý kiến vì sợ bị rầy khi nói sai. Mà cũng không trách các thầy được, vì học là để thi, nên mấy thầy cũng phải dạy sao cho học sinh thi đậu, đủ ý đúng ý của mấy ông mấy bà ra đề - dù toàn ra đề vượt lớp thì cũng chỉ biết chạy theo thôi chứ biết làm sao. Cả năm học cứ xà quần theo các kỳ thi, hết thi chuyên đề, lại thi đội tuyển trường, rồi học sinh giỏi tỉnh, đến thi Olympic 30-4, đến thi quốc gia, thi tùm lum tà la. Mỗi lần gần tới kỳ thi, mình toàn thức dậy lúc 2 giờ sáng để học bài. Nhiều khi mệt quá không làm nổi đành nộp giấy trắng cho thầy, cũng may thầy nhân đạo không cho điểm 0 mà cho 1 điểm. Giờ đôi khi nằm mơ vẫn thấy mình trễ thi, tới lộn phòng thi, không mặc quần áo đi thi, thiệt là ác mộng. Bởi vậy sau 3 năm học Văn, mình thấy mình tàn tạ như giẻ rách, tình yêu với môn Văn tan tác như lá nát sau mưa giông. Mình trở nên căm ghét Văn chương, và thay vì thi vào báo chí, mình rẽ ngang sang chuyên ngành kinh tế.
Ba năm cấp ba mình chẳng nhớ gì nhiều, chỉ nhớ mãi một điều. Đó là hồi học đội tuyển quốc gia, được học thầy Trương Tham. Nghe đồn thầy là 1 trong 6 thầy giáo dạy Văn hay nhất Việt Nam hồi đó. Có người bảo thầy phong cách kỳ quái, có người bảo thầy thế này thế nọ, nói gì thì nói, chứ phải công nhận là thầy dạy hay. Học thầy đâu có vài ba buổi mà có lẽ mình nhớ suốt đời. Thầy bảo khi phân tích một bài văn, bài thơ nào đó mình phải chọn một con mắt. Con mắt đó là điểm mình ưng nhất trong bài văn, bài thơ, không cần theo ý ai, chỉ cần bản thân mình thấy thích là được. Phải tập trung làm rõ, phân tích nó, diễn giải tại sao mình thấy chỗ đó hay, chỗ đó đẹp. Rồi từ đó lấy nó làm cái hồn, làm sợi chỉ xuyên suốt, lan tỏa nó ra, để biến nó thành điểm nhấn, đem sức sống cho bài viết của mình. Thầy ngày xưa học cùng thời với Lê Anh Xuân, Hoàng Nhuận Cầm và nhiều thi sĩ khác. Mỗi lần giảng tới bài thơ, bài Văn nào là thầy kể giai thoại về người đó, bọn mình ngồi nghe như nuốt từng lời, ghi chép không nhiều mà nhớ cứ như in.
Bởi vậy, mình thấy điều đầu tiên và quan trọng nhất để học tốt môn Văn (mà các thầy cô lại thường bỏ qua) là cảm thụ văn học. Người dạy Văn phải truyền cho học sinh tình yêu con chữ, cái hay cái đẹp của Văn chương, cái chân thiện mỹ mà mỗi con người đều hướng tới, cái sinh động đầy màu sắc mà Văn học phản ánh từ cuộc sống con người. Nhưng thử hỏi có mấy ai làm được vậy. Vất vả với lương giáo viên ba cọc ba đồng, vừa dạy ở trường vừa lo dạy thêm, rồi vắt óc với các thành tích chỉ tiêu, phải nâng điểm cấy số ảo để có bảng điểm đẹp đặng báo cáo với cấp trên. Đó là chưa kể thời xưa "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm", một số thầy cô hồi đó không đủ điểm vào trường khác nên mới học sư phạm, chứ đâu phải là vì tình yêu bục giảng và tâm huyết với sự nghiệp giáo dục. Bạn mình bảo mình viết thấy còn hay hơn cô giáo dạy Văn. Mình cười nghĩ, vì mấy cô giáo mà bạn thấy không có đủ tình yêu với văn chương đó thôi. Hoặc tình yêu đó vốn không hề tồn tại, hoặc tình yêu đó bị bào mòn bởi thực tế khắc nghiệt của cuộc sống. Không có tình yêu thì làm sao viết hay giảng hay, không có tình yêu nên làm sao truyền thụ được tình yêu tới học trò. Bởi vậy có không biết bao nhiêu đứa học trò như mình, theo đuổi vì sở thích, mà từ bỏ vì vỡ mộng và kiệt quệ. Những ngày trong nhà trường không những không bồi đắp tình yêu của mình mà còn tàn phá nó nữa.
Nghĩ lại, đó chính là điểm yếu của hệ thống giáo dục hiện thời. Thay vì ươm mầm tình yêu với tri thức cho học trò, nuôi dưỡng sự sáng tạo thì lại bóp chẹt nó. Học sinh đi học không vì kiến thức mà do cha mẹ nhồi nhét phải học đặng sau này mới có công ăn việc làm, để lo cho gia đình, phụng dưỡng cha mẹ. Tốt nghiệp cấp 3 không kỹ thuật thì kinh tế, rồi học xong 4 năm đại học cũng chẳng biết mình thích gì muốn gì, tự hỏi ta sẽ làm chi đời ta. Rồi đâm đầu đi làm những nghề chẳng liên quan gì tới chuyên ngành đào tạo, kiếm ăn qua ngày. Rồi lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái, rồi già đi. Rồi nằm trên giường bệnh nghĩ lại thời trai trẻ, nhớ ta cũng đã một thời ước làm kỹ sư nông nghiệp, mơ mộng làm nhà Văn, nhạc sĩ, vũ công, thợ chụp ảnh, đầu bếp... Rồi lại tự hỏi: ta đã làm chi đời ta.
Một kỳ thi đại học nữa đã tới, mình chỉ biết chúc các em sĩ tử chân cứng đá mềm, kiên cường dũng cảm. Đường đời còn rộng và dài lắm. Đậu đại học chẳng khẳng định được gì, rớt đại học biết đâu là điềm phúc. Đừng học vì trào lưu, hãy học vì ham thích. Theo đuổi tri thức đích thực, khám phá đam mê bản thân.
Trích facebook của ROSIE NGUYEN