1. LĐBĐ Việt Nam vừa ký thỏa thuận hợp tác với LĐBĐ Nhật Bản, chính thức xác nhận trong vòng 2 năm tới, bóng đá Việt Nam sẽ đi theo con đường phát triển của làng cầu số 1 châu Á này. Vừa ký xong, đã có ngay “quà”: phía Nhật giới thiệu hồ sơ 2 HLV cho đội tuyển nữ Việt Nam.
Sắp đến, nếu có thêm giám đốc kỹ thuật người Nhật nữa thì xem như bóng đá Việt Nam sẽ “làm theo kiểu Nhật” đối với các thành phần quan trọng nhất của nền bóng đá, bao gồm từ V-League đến các đội tuyển quốc gia.
Chất lượng cũng như năng lực làm việc của những chuyên gia Nhật Bản thì khỏi phải bàn. Vấn đề là để vận hành nền bóng đá theo “công nghệ Nhật Bản”, lại phụ thuộc vào người Việt Nam. Qua quá trình làm việc của HLV Miura tại đội tuyển quốc gia cho thấy, ông không “cầm tay chỉ việc”, các trợ lý tự nắm bắt cách làm và triển khai. Mọi thứ sẽ tốt nếu ông Miura có được những cộng sự giỏi, ngược lại thì thầy Nhật có giỏi mấy cũng khó mà thay đổi.
2. Câu chuyện về một người Nhật khác đang mở trường dạy bóng đá trẻ tại TPHCM cho chúng ta một cái nhìn khác. Hơn nửa năm làm việc, ông này vẫn chưa tìm được trợ lý người Việt để thay mình đứng lớp sau khi số lượng học sinh tăng lên. Lý do: không có cầu thủ Việt Nam nào chịu làm công việc cực nhọc như ông thầy Nhật Bản cả. Các “thầy bóng đá” tại Việt Nam quen với kiểu đợi học sinh đến, thị phạm các động tác kỹ thuật để học sinh nắm bắt và tự tập luyện, thay vì tự mình đi tìm học sinh và khuyến khích sự đam mê bóng đá nơi các em nhỏ trước khi dạy về chuyên môn.
Trước đây, ở TPHCM có Trường Năng khiếu nghiệp vụ từng cho ra lò nhiều thế hệ cầu thủ nổi tiếng. Dần dà chẳng còn ai chịu đưa con em đến học vì chất lượng của các ông thầy ngày càng kém, lại đơn thuần chỉ dạy chuyên môn thay vì phải hướng dẫn những yếu tố hình thành nên tính cách chuyên nghiệp của cầu thủ trẻ.
Như vậy, ở cấp độ thấp nhất (đào tạo trẻ) trong hệ thống của một làng cầu mà chưa thể tìm được những con người chuyên nghiệp thì thật khó để thấy được điều đó ở cấp độ cao hơn.
3. Tuần qua, World Cup 2014 kết thúc với chức vô địch của đội tuyển Đức. Thành quả ấy được chính người Đức xác nhận là nhờ quá trình đầu tư dài hạn đến 10 năm. LĐBĐ Đức chi mỗi năm 80 triệu USD chủ yếu để cho những chuyên gia tỏa rộng ra khắp nước, đến từng trường học quảng bá, khuyến khích các em nhỏ tham gia chơi bóng và gia nhập các lò đào tạo trẻ tại các CLB. Tính trung bình, để có một cầu thủ như Goetze (ghi bàn duy nhất đem về chức vô địch thế giới cho người Đức) thì phải chọn lọc từ 50.000 trẻ em đá bóng từ lứa tuổi U.13. Gần 1,2 triệu cầu thủ nhí theo đuổi sự nghiệp bóng đá 5 - 10 năm như thế thì mới có đội tuyển Đức vô địch thế giới. Làm sao để tăng được số lượng trẻ em mê đá bóng, tăng số lượng các lò đào tạo tư nhân cũng như các tuyến trẻ tại những CLB chuyên nghiệp thì mới có ngày bóng đá Việt Nam dư thừa tài năng để chọn lựa.
Thực tế, hơn 6 tháng làm việc, ông thầy Nhật Bản kia cũng chỉ mới có 100 học viên dù đã bỏ công trực tiếp tìm kiếm. Rồi trung tâm đào tạo trẻ Viettel mới đây cũng giải thể. Những chuyện như vậy, không có chuyên gia Nhật nào có thể làm thay người Việt được cả.
ĐĂNG LINH