Thể thao mạo hiểm: Xu hướng và đam mê

Khi “cô gái sắt” Vũ Phương Thanh vô địch SwissUltra - một chặng đua của hệ thống deca ultra triathlon, giới thể thao mạo hiểm và thách thức của Việt Nam mới được nhìn nhận xứng tầm. Năng lực của người Việt, cùng điều kiện tự nhiên thuận lợi, có thể là nền tảng giúp Việt Nam phát triển thể thao - du lịch mạo hiểm.

Trải nghiệm, khẳng định bản thân

Thể thao mạo hiểm, đương đầu với những thách thức được xem là vượt giới hạn bản thân, đang là xu hướng của giới trẻ, thậm chí của người thích khám phá. Người mê tốc độ, có thể đua xe off-road với các cung đường vượt đồi núi, thác ghềnh. Người thích nước sẽ chọn các môn chèo thuyền vượt thác. Người yêu bầu trời đã có dù lượn, nhảy dù. Những vận động viên (VĐV) thể thao lại tìm đến các 3 môn phối hợp chạy - đạp xe - bơi. Từ chỗ triathlon với tổng chiều dài ngang với một cung đường marathon, đến ultra triathlon với chiều dài gấp 3-5 lần và hơn nữa, như cuộc đua của cô gái có “nick name” Thanh Vũ, là cuộc hành trình vài ngàn kilômét và mất hàng tháng. Nhưng, đó chưa phải là giới hạn cuối cùng.

Thanh Vũ làm rạng danh thể thao Việt Nam ở đấu trường quốc tế. Ảnh: NVCC

Thanh Vũ làm rạng danh thể thao Việt Nam ở đấu trường quốc tế. Ảnh: NVCC

Tối 28-8-2022, trang chính thức của giải SwissUltra đăng thông báo bằng tiếng Anh chúc mừng chức vô địch thế giới của Thanh Vũ. Runner Việt Nam hoàn tất giải 3 môn phối hợp khắc nghiệt nhất hành tinh, gồm 38km bơi, 1.800km đạp xe và 422km chạy bộ trong thời gian 328 giờ 27 phút 55 giây, tương đương 13 ngày 16 giờ 27 phút 55 giây. Chỉ 4 VĐV nữ tham gia nội dung khắc nghiệt này của SwissUltra và 2 trong số này bỏ cuộc. Thanh Vũ về đích đầu tiên, người về nhì (Nadine Zacharias) đạt tổng thành tích 329 giờ 27 phút 16 giây.

Năm 2015, thông tin Vũ Phương Thanh là người Việt đầu tiên vượt qua 250km sa mạc tại Chile khiến nhiều người bất ngờ. Tháng 11-2016, cô chinh phục sa mạc Antartica và trở thành người phụ nữ châu Á đầu tiên vượt qua 4 sa mạc khắc nghiệt nhất thế giới, sau khi ở Sahara, Gobi, Atacama. Mang nghị lực phi thường về Việt Nam và đăng ký các cuộc thi triathlon, marathon trong nước, cô là nguồn cảm hứng lớn cho cộng đồng yêu các môn thể thao sức bền.

Cô gái 9X sinh ra và lớn lên tại Hà Nội vốn không đam mê thể thao. Vậy mà, khi đang có một cuộc sống và công việc ổn định tại Bloomberg Singapore, Phương Thanh bất ngờ từ bỏ để thực hiện điều mình ấp ủ, quyết định mang tính bước ngoặt của cuộc đời cô. Phương Thanh chia sẻ: “Tôi thấy người Việt không hề có thể trạng, sức khỏe kém. Chúng ta là một dân tộc đầy nghị lực, ý chí và chăm chỉ. Khi đi chạy với những nhóm ở Hà Nội hay TPHCM, tôi rất ngưỡng mộ sự bền bỉ của mọi người. Không ai bỏ cuộc dễ dàng”.

Thực tế, trong vòng 10 năm trở lại đây, các cuộc đi bộ đường rừng theo mô hình Trekking đã nhiều hơn trước, với các cung đường Tây Bắc hoặc Tây Nguyên. Trekking không yêu cầu quá nhiều kỹ năng, nhưng để tham gia được thí sinh phải sở hữu “độ trì” nhất định. “Sân chơi” của Trekking sẽ là những khu vực rừng núi gập ghềnh, hoang sơ. Còn yêu cầu đối với VĐV sẽ là sức bền, tâm lý vững vàng và tính cẩn thận. Ở nơi rừng núi, dù ban tổ chức luôn có phương án đối phó với sự cố bất ngờ nhưng an toàn của bản thân vẫn là điều mà mỗi thí sinh phải đặt lên hàng đầu.

Thế mạnh tuyệt vời của Việt Nam

Thể thao mạo hiểm kết hợp với du lịch ở Việt Nam có lẽ khởi phát từ môn lặn biển có nhiều san hô như Nha Trang, Cù Lao Chàm, Quy Nhơn… Nhưng về sau, các thách thức được đẩy lên, như chơi dù lượn, nhảy bungee từ độ cao lớn xuống mặt nước, đu dây zipline… Nhưng các môn chơi đó nếu muốn tạo ra một xu hướng thúc đẩy du lịch, thì phải cần các cuộc thi ở quy mô sự kiện hoặc serie chuyên nghiệp.

Ví dụ như ở Thanh Hóa, từ năm 2017 đến nay, cứ vào cuối tháng 5, giải chạy marathon xuyên rừng già Việt Nam (Vietnam Jungle Marathon) được tổ chức tại bản Hang, xã Phú Lệ (huyện Quan Hóa) và tại khu Pù Luông Retreat thuộc bản Đôn (xã Thành Lâm, huyện Bá Thước thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông). Nếu như lần tổ chức đầu tiên vào năm 2017 mới chỉ có khoảng 300 người tham dự thì đến giải lần thứ 2-2018, đã có gần 1.000 người tham gia. Các VĐV tranh tài ở các cự ly chạy 10km, 25km, 42km, 55km, 70km. Đây thực sự là những thử thách rất lớn với cả những VĐV chuyên nghiệp trong và ngoài nước. Bởi lẽ, VĐV phải trải qua những “cung đường mòn kỳ diệu” với từng đoạn đường băng qua ruộng bậc thang, lội qua suối, xuyên qua rừng rậm, leo dốc, qua đồi, rồi đỉnh núi với độ cao 100-900m so với mặt nước biển.

Trong số VĐV, du khách tham gia giải chạy Vietnam Jungle Marathon tại Pù Luông, tỷ lệ người Việt Nam chiếm 70%. Điều này cho thấy sức hút từ môn thể thao gắn với du lịch này ngày càng lớn. Giải năm 2019 đã có trên 1.000 người đăng ký tham gia và tỷ lệ du khách, VĐV nước ngoài tham gia đã tăng lên đáng kể (chiếm trên 1/3). Do yếu tố thách thức bản thân nên người tham gia lần này rất nhiều khả năng sẽ quay lại lần sau để đánh giá “trình độ” của mình.

Từ năm 2015, Ironman 70.3 - một cuộc đua đặc thù, biến thể từ triathlon có trong chương trình thi đấu của các kỳ Olympic và ASIAD, được tổ chức định kỳ hàng năm ở Đà Nẵng. Một loạt giải marathon được tổ chức theo hình thức serie diễn ra tại Hà Nội và các thành phố ven biển miền Trung. Là một người thi đấu Ironman 70.3, anh Đặng Ngọc Cả, luật sư một doanh nghiệp lớn, cho biết: Vài giờ đồng hồ của ngày thi Ironman 70.3 là đúc kết của hàng trăm giờ tập luyện, nghỉ ngơi và dinh dưỡng. Đó thực sự là một chặng đường đầy cam go, thách thức. Việc tập luyện cho 3 môn thực sự đã thay đổi nếp sống trước đây của tôi. Để chuẩn bị cho cuộc thi vào tháng 5, tôi ưu tiên dành thời gian đầu cho việc học bơi sải, sau đó tập đạp xe từ sau Tết Nguyên đán.

Đứng ở góc độ của nhà quản lý, thể thao mạo hiểm có sự tương đồng với tâm lý của những người thích xê dịch, một xu hướng của du lịch hiện đại. Theo định nghĩa của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du lịch thể thao là loại hình du lịch liên quan một cách chủ động hoặc thụ động đến trải nghiệm của du lịch khi quan sát hoặc tham gia vào một sự kiện thể thao mang tính cạnh tranh (thương mại hoặc phi thương mại). Khác với các phương thức truyền thống như nghỉ dưỡng hay khám phá, du lịch thể thao chắc chắn mang lại sự hào hứng vô cùng lớn cho du khách ngay từ những giây phút đầu tiên của hành trình. Cảm xúc đó phần lớn xuất phát từ chính những trải nghiệm và “độ khó” của môn thể thao.

Thông thường, mỗi chuyến du lịch thể thao có thời gian đặt chỗ từ khá sớm. Điều này là cần thiết để du khách - “thí sinh” có đủ thời gian chuẩn bị, luyện tập. Khoảng thời gian này được gọi là Early Bird, chi phí đặt chỗ thường rẻ hơn so với những suất muộn về sau. Điểm tích cực đầu tiên không thể phủ nhận của du lịch thể thao là việc thúc đẩy kinh tế, giao lưu văn hóa tại địa phương chủ nhà. Mỗi sự kiện thể thao như vậy được tổ chức đều thu hút hàng trăm hàng ngàn thí sinh tham dự, tính cả người thân đi cùng họ. Đây sẽ là nguồn thu lớn để phát triển ngành du lịch địa phương.

Quan trọng hơn cả, những chuyến du lịch thể thao như vậy có đối tượng tiềm năng rất rộng, không bị giới hạn về văn hóa, quan điểm, giới tính, trình độ hay kinh tế… Mỗi cuộc thi đều đặt trọng tâm ở mục tiêu vượt lên chính mình. Do vậy, đây sẽ là sự kiện hoàn hảo để mỗi người tự khám phá bản thân, giao lưu, mở rộng mối quan hệ và trải nghiệm những hoạt động khác biệt hoàn toàn so với cuộc sống bình thường. Thế nên, các nội dung triathlon rất phù hợp để phát triển tại Việt Nam.

Triathlon không chỉ đòi hỏi kỹ năng đồng đều giữa 3 bộ môn mà thí sinh còn cần nền tảng thể lực và tinh thần cực kỳ vững chắc. Độ khó của triathlon là điều không phải bàn cãi, tuy nhiên sự hưng phấn khó tả khi hoàn thành cuộc thi mới chính là điều mà thí sinh thường xuyên tự hào chia sẻ với nhau nhất.

Tin cùng chuyên mục