Thấp thỏm với “vua”

Cuối tháng này, V-League 2017 trở lại, nhưng nếu thử làm một phép thống kê sẽ biết ngay trọng tài là đội ngũ được quan tâm nhiều nhất chứ không phải là cuộc đua đến ngôi vô địch.
Chỉ tập huấn vài ngày liệu có đủ để các trọng tài, trợ lý trọng tài trau dồi chuyên môn, nâng cao kỹ năng xử lý tình huống…? Ảnh: T.L
Chỉ tập huấn vài ngày liệu có đủ để các trọng tài, trợ lý trọng tài trau dồi chuyên môn, nâng cao kỹ năng xử lý tình huống…? Ảnh: T.L

Lấy lại uy tín và hình ảnh là khát vọng của “giới còi, cờ” ở giai đoạn lượt về mùa bóng 2017. Nhưng chỉ với đợt tập huấn kéo dài vài ngày liệu có đủ để các trọng tài, trợ lý trọng tài trau dồi chuyên môn, nâng cao kỹ năng xử lý tình huống cũng như bản lĩnh khi đương đầu với thách thức trên sân cỏ và trước những diễn biến khó lường của bóng đá?

Kể ra là khó, nhưng cơ bản cứ tạm tin vào mục tiêu cao nhất của đợt tập huấn giữa giai đoạn mà VFF phối hợp cùng VPF tổ chức tại Đà Nẵng, vì không ai mong những sai lầm nghiêm trọng và có tính hệ thống ở lượt đi sẽ tái diễn cả. Với lại, để đến mức tiếp tục phải mời trọng tài ngoại tới để cùng chia sẻ trách nhiệm điều hành các trận đấu của V-League thì còn ra thể thống gì nữa.

Cuối tháng này, V-League 2017 trở lại, nhưng nếu thử làm một phép thống kê sẽ biết ngay trọng tài là đội ngũ được quan tâm nhiều nhất chứ không phải là cuộc đua đến ngôi vô địch. Một nhà chuyên môn lão luyện thậm chí còn tếu táo: “Cứ thử hỏi hầu hết các đội bóng đi, bạn sẽ biết trọng tài là những người đứng đầu về tỷ lệ đặt cược ở lượt về”. Tất nhiên, cược ở đây đơn thuần được hiểu là “không để xảy ra sai sót nghiêm trọng”, chứ không mang ý tứ nào khác.

Tức là, ngay cả khi giới chức điều hành bóng đá Việt Nam và giải đấu V-League hứa hẹn đã chấn chỉnh công tác trọng tài, đồng thời tuyên bố sẽ xử lý đến nơi đến chốn những vụ sai phạm của “Vua áo đen” thì hầu hết các đội bóng vẫn thấp thỏm cho cuộc hành trình của mình. Họ tự an ủi rằng sẽ không còn cảnh trọng tài “gây bão” như ở lượt đi, và những nỗ lực của các cầu thủ trên sân bóng được ghi nhận thật công tâm, chứ không phải bị tước đoạt đầy cay đắng chỉ vì sai lầm trong nhận định của các trọng tài.

VPF mới đây cho biết trong 2 đợt tập huấn giữa giai đoạn cho các giám sát, trọng tài, đã tích cực trình chiếu những đoạn video tình huống xung đột của trận, tác động của khán giả, lãnh đạo CLB… để giúp các trọng tài hình dung ra phương pháp xử lý an toàn nhất có thể, tránh gây thất thiệt cho các bên tham gia trận đấu. Nhưng rõ ràng, thành hay bại còn tùy vào trình độ chuyên môn cũng như bản lĩnh của trọng tài có được thể hiện kịp thời hay không mà thôi.

Những bài học xương máu từ lượt đi, sự khắt khe của giới truyền thông và dư luận sẽ trở thành những hình thức giám sát hữu ích đối với giới quản lý VFF và VPF trong nỗ lực chấn chỉnh công tác trọng tài. Trưởng BTC giải V-League 2017, ông Nguyễn Minh Ngọc cũng đã thừa nhận: “Các ý kiến đóng góp của các CLB trong buổi họp đánh giá sơ bộ lượt đi mới đây xoay quanh vấn đề trọng tài đều mang tính xây dựng chứ không gay gắt hay phàn nàn. Tất cả đều hướng tới việc đưa ra được giải pháp tốt nhất cho công tác tổ chức lượt về, đặc biệt là vấn đề trọng tài, để mọi việc diễn ra suôn sẻ. VPF cũng đã xác định công tác trọng tài là khâu trọng tâm ở lượt về, quyết định đến thành công của giải đấu nên phải giám sát chặt chẽ hơn nữa”.

Tin cùng chuyên mục