Tập nhiều ra... cái gì?

1. Tin tức về chấn thương của đội tuyển U.23 cứ dồn dập hàng ngày. HLV Miura không bao giờ có đủ các cầu thủ để chia 2 đội hình thi đấu dù đã tập trung đến 30 người. Tuy nhiên, điều này không mới bởi đấy chỉ là hệ quả của kiểu tập trung đội tuyển không giống ai của bóng đá Việt Nam từ trước đến nay.

Tập trung từ ngày 1 đến ngày 17-12 đội tuyển U.23 mới có trận giao hữu đầu tiên với Cezero (Nhật Bản), rồi đến ngày 7-1 mới có thêm 1 trận nữa với U.23 Nhật Bản. Như vậy, hơn 30 ngày còn lại chủ yếu là “tập chay”.

80% cầu thủ đang có mặt tại U.23 hiện nay đã từng tập chung 2 tháng hồi đầu năm cho vòng loại U.22 châu Á, sau đó là 2 tháng nữa cho SEA Games. Như vậy, tối thiểu họ cũng đã có ít nhất nửa năm trời tập chung với nhau. Nếu chúng ta biết, gần như họ ngày nào cũng ra sân tập thì có thể nói, chẳng ở đâu mà thời lượng tập luyện của các tuyển thủ còn nhiều hơn tại CLB như ở Việt Nam.

Không biết những nhà chuyên môn tại VFF nghĩ gì về những con số này?

Thời lượng tập luyện của các tuyển thủ còn nhiều hơn tại CLB như ở Việt Nam. Ảnh: Minh Hoàng

2. Cứ cho là do V-League kết thúc vào cuối tháng 9 nên đợt tập trung lần này cần kéo dài thời gian để giúp cầu thủ thích nghi sau khoảng 2 tháng nghỉ thi đấu. Với một thời gian dài như vậy, thường là bắt đầu từ việc tập thể lực, kế đến mới ráp nối đội hình. Tuy nhiên, quan sát các buổi tập của U.23 Việt Nam thì không thấy tách bạch 2 phần nói trên. Cứ vừa tập chiến thuật xen kẽ tập thể lực. Điều kiện thời tiết tại Hà Nội lại đang lạnh. Đây là 2 yếu tố dễ dẫn đến chấn thương, nhất là với những cầu thủ từ miền Trung và phía Nam.

Người ta cũng không hiểu, ngày nào cũng ra sân 2 buổi, hết chạy rồi lại vào đá bóng, thì đâu là tập thể lực và đâu là rèn chuyên môn. Đã thế, số trận giao hữu của U.23 Việt Nam hiện đang ở mức tối thiểu, không hiểu chúng ta tập nhiều như vậy để làm gì trong khi có những cầu thủ như Công Phượng, Tuấn Anh, Duy Mạnh… đá suốt cả năm không nghỉ.

3. Người ta luôn kêu gọi các cầu thủ Việt phải “chuyên nghiệp” nhưng khi lên kế hoạch cho các đội tuyển, thì gần như xem họ là những kẻ nghiệp dư. Nếu đã là cầu thủ chuyên nghiệp, dù không thi đấu thì họ cũng sẽ phải tự rèn thể lực cho riêng mình. Khi đó, chỉ cần 1 tuần chuyên “nhồi” thể lực là họ có thể lấy lại vóc dáng, sau đó chỉ cần 2 tuần kế tiếp có 3-4 trận giao hữu thì sẽ xác định được phong độ chơi bóng. Đằng này, bản kế hoạch của U.23 dưới thời ông Miura 9 phần là tập, chỉ có 1 phần thi đấu. Không có những khoảng thời gian chuyên rèn thể lực ở những địa điểm chuyên biệt vừa kết hợp với thư giãn, chỉ thấy ngày nào cũng phải ra sân và cũng chỉ là những công việc quen thuộc đến nhàm chán.

Thế thì không chấn thương mới lạ.

Hồ Việt

***

Thời Calisto đá nhiều nhất

Trước khi dự AFF Cup 2008, chỉ trong vòng 2 tháng trước giải, đội tuyển Việt Nam do Calisto dẫn dắt đá tổng cộng 7 trận giao hữu. Không có trận nào thắng nhưng nhờ quá trình sát hạch ấy mà Việt Nam mới có danh hiệu vô địch Đông Nam Á.

HLV Calisto là người quan tâm đến việc thi đấu nhiều hơn tập luyện. Hai lần ông này cầm quân trong vòng 4 năm, các đội tuyển Việt Nam có số trận đấu trung bình 18 trận/năm. Trước bất kỳ giải đấu nào, đội bóng của Calisto cũng có ít nhất 4 trận thi đấu liên tục để rà soát đội hình. Ít khi nào người ta nhắc đến việc rèn thể lực dưới thời HLV người Bồ Đào Nha và cũng chưa thấy ai nói đội tuyển dưới thời của ông kém về thể lực.

Nhờ quá trình sát hạch sau 7 trận thua, Calisto đã đưa Việt Nam tới danh hiệu vô địch Đông Nam Á 2008. Ảnh: T.L

Trong khi đó, dù trong năm 2015 ĐTQG và U.23 có đến 6 tháng tập trung nhưng tổng cộng chỉ có 5 trận giao hữu chính thức cho cả 2 đội tuyển. Không thể xem trận đấu với Cezero sắp đến 2 trận đá tập trong sân không khán giả với đội hạng 4 của Nhật Bản sắp diễn ra là những trận “giao hữu chính thức” có ý nghĩa chuyên môn. Điều này cho thấy, việc chúng ta chuẩn bị cho VCK U.23 châu Á là khá thụ động và có phần hời hợt so với tính chất quan trọng của giải đấu này.

Ở đẳng cấp như bóng đá Việt Nam, có tập suốt cả năm cũng chẳng nhích lên nổi đẳng cấp. Điều quan trọng nhất vẫn là thi đấu cọ xát với các đối thủ hơn tầm và phải là đá thật sự để còn giúp HLV kiểm tra năng lực cầu thủ. Cần lưu ý, các cầu thủ trẻ HA.GL có năng lực thi đấu tốt hơn những đồng đội cùng lữa tuổi cũng một phần nhờ từ năm 2014 đến nay, họ thi đấu liên tục, mỗi người “nuốt” hơn 40 trận/năm.

Việt Long

Tin cùng chuyên mục