Sử dụng HLV ngoại - Nhìn từ các quốc gia châu Á

Với thành tích kém cỏi tại vòng loại Asian Cup 2015 của đội tuyển Việt Nam, việc HLV trưởng Hoàng Văn Phúc lần thứ hai xin từ chức là điều đã được dự báo từ trước. Bản thân tân Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng trong bài phát biểu tại Đại hội VFF khóa VII sáng 25-3 vừa qua tại Hà Nội đã khẳng định trong tháng 4 sẽ hoàn tất việc bổ nhiệm thuyền trưởng cho đội tuyển Việt Nam, và nhiều khả năng đó sẽ là HLV người Nhật Bản.

Điểm lại trong số các đội bóng sẽ hiện diện tại VCK Asian Cup diễn ra vào năm sau, ngoại trừ chủ nhà Australia và 3 đội không phải tham dự vòng loại là Hàn Quốc, Nhật Bản và CHDCND Triều Tiên, thì trong số 11 đội bóng vừa vượt qua vòng loại có tới 8 đội (chiếm tỷ lệ 73%) đang sử dụng thầy ngoại là Bahrain (với HLV người Anh Anthony Hudson), Saudi Arabia (HLV người Tây Ban Nha Juan Ramón López  Caro), Oman (HLV người Pháp Paul Le Guen), Qatar (HLV người Algeria Djamel Belmadi), Iran (HLV người Bồ Đào Nha Carlos Queiroz), Kuwait (HLV người Brazil Jorvan Vieira), Jordan (HLV người Ai Cập Hossam Hassan) và Trung Quốc (HLV người Pháp Alain Perrin).

Chỉ còn đúng 3 đội (chiếm tỷ lệ 27%) vẫn trung thành với chính sách dùng hàng nội là UAE với HLV Mahdi Ali, Uzbekistan với HLV Mirjalol Qosimov và Iraq với HLV Hakeem Shaker.

HLV Calisto và đội trưởng Tài Em nâng cao chiếc cúp vô địch AFF Cup 2008.

HLV Calisto và đội trưởng Tài Em nâng cao chiếc cúp vô địch AFF Cup 2008.

Lần giở lại lịch sử, những đội bóng từng đăng quang ngôi vô địch các kỳ Asian Cup gần đây cũng đều sử dụng các thuyền trưởng ngoại. Bốn năm trước, Nhật Bản giành ngôi quán quân cùng với HLV người Italia Alberto Zaccheroni.

Còn ở VCK Asian Cup 2007, Iraq cũng đã lên ngôi cùng với HLV người Brazil Jorvan Vieira. Trong khi tại Asian Cup 2000 và 2004, đội bóng đến từ xứ sở mặt trời mọc cũng bước lên ngôi vị cao nhất cùng với các ông thầy ngoại: Zico (năm 2004) và Philippe Troussier (năm 2000).

Tương tự như vậy, tại các kỳ AFF Cup từ đầu thế kỷ 21 đến nay, ngoại trừ Malaysia từng đăng quang ở AFF Cup 2010 với thầy nội Rajagopal, còn lại các nhà vô địch khác đều lên ngôi nhờ các thầy ngoại.

Năm 2000 và 2002, Thái Lan bước lên ngôi vị số 1 của bóng đá khu vực cùng với HLV người Anh Peter Withe.  Ở các kỳ AFF Cup 2004 và 2007, người Sing trở thành nhà vô địch Đông Nam Á nhờ vào tài thao lược của chiến lược gia người Serbia Avramovic.

Đến năm 2008, Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV người Bồ Đào Nha Calisto đã lần đầu tiên sau gần nửa thế kỷ giành được ngôi vị số 1 Đông Nam Á. Gần đây nhất, AFF Cup 2012 đã đánh dấu chức vô địch khu vực lần thứ ba của thầy trò HLV Avramovic.

THÙY TRÂM

°Ở Đông Nam Á thời điểm hiện tại, ngoại trừ Việt Nam, chỉ còn lại đúng 2 đội vẫn đang sử dụng HLV nội là Thái Lan (với HLV Kiatisak) và Malaysia (với HLV Ong Kim Swee), nhưng đều thất bại tại vòng loại Asian Cup 2015 vừa qua.

Các đội bóng còn lại đều đang sử dụng thầy ngoại như Singapore với HLV Bernd Stange, Indonesia với HLV A.Riedl, Brunei với HLV Vjeran Simuni, Campuchia với HLV Lee Tae Hoon, Lào với HLV Kokichi Kimura, Myanmar với HLV Avramovic, Philippines với HLV Thomas Dooley, Đông Timor với HLV Emerson Alcantara.

Tin cùng chuyên mục