Cần phải thống nhất với nhau rằng, không thể đánh giá năng lực của một đội bóng dựa trên các kết quả tập huấn. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn có một chuyến tập huấn bổ ích, thì cần phải nghiêm túc đánh giá các kết quả thi đấu, dù đó là đá tập huấn.
Thắng U19 Arsenal thì cũng đừng vội “khoác” lên U19 Việt Nam cái gọi là “đẳng cấp châu Âu”, mà có thua nặng nề Tottenham thì cũng khoan suy nghĩ yếm thế rằng trình độ của bóng đá Việt Nam quá kém. Như đã nói, tùy mục đích của HLV mà đánh giá chất lượng của từng trận đấu. Ít hay nhiều, từng kết quả có những giá trị khác nhau.
Vậy thì thất bại 0-9 trước U19 Tottenham nói lên điều gì?
Hãy khoan nói về kết quả, hãy xem cách các cầu thủ cao to của Tottenham điều khiển bóng và phối hợp với nhau tốt đến mức U19 Việt Nam không thể cầm bóng để đá theo cách của mình. Rõ ràng, cái quan điểm cho rằng trình độ nhồi bóng của U19 Việt Nam rất tốt, là sai lầm.
Ở lứa tuổi 17-19, ở đâu thì các em cũng đều học kỹ thuật điều khiển bóng như nhau. Ở châu Âu thì chắc chắn là tốt hơn ở Việt Nam khi những ông thầy tại Anh có đẳng cấp và trình độ cao hơn HLV Guillaume Graechen. Không phải thấy bóng đá Anh ưa chuộng lối đá “sút và chạy” lại cho rằng cầu thủ của họ kỹ thuật kém hoặc không biết đá kỹ thuật.
Kế đến, trận thua 0-9 này cũng giống như trận thua 0-7 trước Nhật Bản. Đó là khi không kiểm soát được bóng, U19 Việt Nam chỉ là những cậu bé non nớt, dễ bị cuốn trôi theo cách chơi của đối phương. Đây là vấn đề của kinh nghiệm thi đấu, của sự khác nhau giữa “đá chơi” và “đá thật”.
Đá với một đối thủ mạnh hơn, thì phải biết chơi phòng thủ. Chứ cứ mãi đá đẹp, đá cống hiến thì phải chấp nhận thua nặng. Đá thực dụng không có nghĩa là đá xấu, đá láo mà phải biết cách để khắc chế đối phương trước khi có thể chơi theo ý mình.
Nói như vậy để thấy, thất bại trước U19 Tottenham có thể là một cú “sốc”. Nhưng theo chúng tôi, còn một thứ “sốc” khác còn nguy hiểm hơn cả tỷ số “khủng khiếp” đó.
“Sốc” không phải vì việc thua đậm mà “sốc” vì cứ sau 1-2 trận có kết quả tốt, lại là một thất bại không thể nuốt trôi. Ví dụ như đang chơi tốt ở Giải vô địch Đông Nam Á, lại thua chủ nhà Indonesia trong trận chung kết. Vừa thắng Australia để đoạt vé dự VCK U19 châu Á, đã thua đậm Nhật Bản 0-7.
Vừa thắng U19 Arsenal, hòa Conventry, lại thua đậm 0-9 trước Tottenham. Những kết quả ấy có thể khiến các cầu thủ không thể biết mình đang ở đâu cả, nhất là khi họ được ca tụng và kỳ vọng quá nhiều.
Niềm tin của họ bị tổn hại nghiêm trọng theo cái chu kỳ chưa kịp lên đỉnh đã rơi tõm xuống vực sâu như vậy. Trong bối cảnh đó, càng đánh giá cao họ, càng khiến các cầu thủ trẻ mất phương hướng. Điều đó trong bóng đá là cực kỳ nguy hiểm. Cứ nhìn gương mặt thất thần của những “cậu bé của bầu Đức” sau trận đấu thì biết. Hơn ai hết, họ là những người cảm nhận rất rõ năng lực của mình.
Sau mỗi cú “sốc” là một lần trưởng thành. Những trận thua nặng nề như trước Tottenham là điều cần thiết, nếu chúng ta xem đây là cuộc trải nghiệm đẳng cấp cho các cầu thủ trẻ. Tuy nhiên, cách chúng ta chuẩn bị cho những cầu thủ nhận các cú “sốc” cũng cần được tính toán chứ không thể cứ mãi tung hô rồi bao nhiêu hụt hẫng chỉ có cầu thủ gánh chịu.
Hồ Việt