Lép vế so với “người anh em” bơi lội
Kỳ SEA Games gần nhất môn lặn nằm trong chương trình thi đấu là năm 2009 tại Lào. Sau 13 năm, bây giờ, môn lặn mới trở lại chương trình thi đấu SEA Games ở kỳ lần thứ 31 tổ chức tại Việt Nam. Thực tế, giới chuyên môn đều biết, môn lặn và bơi ở cùng nhóm và giải thi đấu quốc gia luôn diễn ra cùng thời điểm nhưng sự đầu tư cho lặn còn khá thấp.
“Chuẩn bị cho SEA Games năm nay, các tuyển thủ của đội tuyển lặn đã tập trung từ đầu năm. Tuy nhiên, mọi người đều biết, môn lặn có đặc thù riêng, đồng thời ít dịp nằm trong chương trình thi đấu của SEA Games nên việc tập trung đội tuyển quốc gia gần như hãn hữu. Vì vậy, VĐV cần nhất là những giải đấu cọ xát để tăng cường chuyên môn”, phụ trách bộ môn lặn (Tổng cục TDTT) – ông Nguyễn Ngọc Anh phân tích cụ thể.
Điểm tập huấn chính trong chương trình chuẩn bị SEA Games 31 của tuyển lặn Việt Nam là tại trường đại học TDTT Bắc Ninh. Dù ban giám đốc nhà trường tạo điều kiện tối đa trong khả năng để tuyển lặn Việt Nam tập luyện tại đây nhưng trang thiết bị phụ trợ cũng chỉ tương đối. Chính vì vậy, theo kế hoạch huấn luyện, các tuyển thủ đã được tăng cường tập huấn dã ngoại và hiện tiến hành tập sâu chuyên môn thêm tại khu hồ bơi Phú Thọ (TPHCM).
“Điểm tập tại TPHCM có thời tiết ấm phù hợp cho các VĐV tập luyện, hiện khu vực phía Bắc thời tiết còn lạnh nên chúng tôi đồng ý với phương án của ban huấn luyện để tuyển thủ tập thêm thời gian tại khu hồ bơi Phú Thọ. Khó nhất của đội tuyển lặn là gần như không có cơ hội thi đấu giải quốc tế và chỉ đấu giải trong nước chủ yếu. Vì vậy, với tất cả các giải trong nước, chúng tôi đều tạo điều kiện tối đa trong khả năng có thể để các em VĐV đăng ký, thi đấu qua đó mới tăng cường thêm chuyên môn”, ông Ngọc Anh nói. Điều này đã được phản ánh bằng hiện thực, nếu tuyển bơi Việt Nam trong một năm có nhiều cơ hội thi đấu quốc tế hoặc tập huấn dài ngày ở nước ngoài, thuê chuyên gia ngoại thì ban huấn luyện tuyển lặn chỉ sử dụng HLV nội, ít đấu giải quốc tế. Dĩ nhiên, mọi so sánh đều khó vì mỗi môn có một đặc thù chuyên môn và tính thu hút riêng nên nhà quản lý phải dựa vào điều đó để phân bổ ngân sách đầu tư trong từng năm theo kế hoạch chuyên môn.
Cơ hội nào tại SEA Games 31?
Chỉ tiêu dành cho đội tuyển lặn tại SEA Games này là phấn đấu giành từ 8 tới 9 HCV. Ban tổ chức SEA Games 31 có 13 nội dung đối với môn lặn, vì thế chỉ tiêu cao vô hình chung là một áp lực không nhỏ cho từng tuyển thủ.
Ông Nguyễn Ngọc Anh cho biết “hiện tại, số quốc gia đăng ký sơ bộ thi đấu môn lặn tại SEA Games 31 có 8. Chuyên môn ở thi đấu lặn giữa các đội tuyển đang có khoảng cách rất gần nhau nên tính cạnh tranh chắc chắn rất quyết liệt ở SEA Games 31 này. Một trong những đội tuyển mạnh đang có đầu tư lớn với môn lặn và đăng ký số VĐV tham dự SEA Games 31 môn này nhiều hơn chủ nhà Việt Nam, có chuyên gia huấn luyện, là Indonesia”.
Qua từng giai đoạn, môn lặn luôn có những VĐV có sức mạnh và chuyên môn tốt và tạo dấu ấn thành tích. Chắc chắn ở SEA Games 31 này, những tuyển thủ đang có phong độ cao như Nguyễn Thành Lộc, Phan Đức Toàn, Phạm Thị Thu, Nguyễn Thị Hằng... là người được chờ đợi giành kết quả cao nhất. Trong số họ, nam tuyển thủ số 1 của đội lặn TPHCM là Nguyễn Thành Lộc nằm trong nhóm VĐV chủ chốt của tuyển quốc gia nhắm cho các thành tích HCV ở SEA Games 31.
SEA Games 25-2009 tại Lào, tuyển lặn Việt Nam giành 8 HCV qua đó xếp nhất toàn đoàn ở môn đấu. Tại kỳ SEA Games 22-2003, tuyển lặn Việt Nam cũng là đoàn xếp nhất chung cuộc. Các tuyển thủ lặn vừa thi đấu xong giải vô địch quốc gia dành cho hồ ngắn (25m) 2022 tại TT-Huế và đây là giải đấu duy nhất trong thời gian chuẩn bị cho SEA Games 31.