Lần đầu tiên trong lịch sử của mình, HA.GL ghép tên cùng đối tác LPBank, trong khi đó, Viettel giờ sẽ là Thể Công - Viettel, chính thức ghi nhận sự trở lại của cái tên huyền thoại Thể Công kể từ năm 2009, thời điểm giải thể Đoàn Thể thao Quân đội. Bình Định có cái tên thứ 3 trong 4 năm qua, là Merryland Quy Nhơn Bình Định. Đầu năm 2023, cũng có 2 đội bóng khác đổi tên là Thép Xanh Nam Định và Công an Hà Nội.
Việc các CLB đổi tên chủ yếu có liên quan đến yếu tố tài trợ. Có một thời gian, việc này cũng bị chỉ trích khá nhiều vì nó thể hiện sự thiếu ổn định về khía cạnh tài chính của các CLB. Cực đoan hơn, nhiều người tin rằng đó là biểu hiện của một nền bóng đá nghiệp dư khi mà “có cái tên không thôi mà cũng giữ không nổi”. Những nhìn nhận như thế không sai, vì về nguyên tắc, tên một đội bóng cũng là một thương hiệu, xét ở khía cạnh thương mại. Vì vậy mà khi có hàng loạt cái tên được đổi, sự lo ngại về mô hình “lướt sóng bóng đá” trước đây sẽ quay trở lại.
Nhưng đôi khi, đổi tên CLB cũng không hẳn là điều tiêu cực. Bóng đá Việt Nam vừa trải qua giai đoạn khó khăn của Covid-19 mà chẳng có một đội bóng nào từ bỏ cuộc chơi hay đổi tên, chuyển giao cả. Đó là một nỗ lực rất lớn của các CLB trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế xã hội. Thế nên, ở thời điểm này xuất hiện các nhà tài trợ mới để “được” đổi tên là điều đáng mừng.
Ví dụ như Nam Định bao nhiêu năm chỉ lo trụ hạng, có mùa còn không đủ tiền để mua cầu thủ, giờ đổi tên cũng đang bắt đầu cạnh tranh chức vô địch. Bình Định cũng vậy, từng xuống hạng năm 2008 chỉ vì không có nhà tài trợ, lận đận suốt chục năm mới quay lại V-League. Thế nên, ít nhiều gì thì việc đổi tên cho thấy bóng đá Bình Định vẫn còn sức hút với doanh nghiệp. Ở góc độ khác, chuyện đổi tên của HA.GL hay Viettel có thể mang đến bước ngoặt tốt đẹp cho tương lai.
Kể từ chức vô địch lần cuối năm 2004 đến nay, HA.GL chưa lần nào trở lại với vinh quang, nhiều mùa giải còn ngấp nghé khu vực xuống hạng. Bầu Đức dẫu có cố gắng thì cũng không đủ sức để đầu tư mạnh tay cho bóng đá khi công việc kinh doanh của ông cũng không quá thuận lợi.
Trong bối cảnh ấy, với sự tiếp sức của đối tác mới, có thể đội bóng phố Núi sẽ trở lại với cuộc đua danh hiệu, điều mà những người yêu quý họ mòn mỏi chờ suốt 5 năm qua, còn lứa U19 tài năng thì “dành cả thanh xuân để trụ hạng”. Sự trở lại của Thể Công lại là một câu chuyện khác.
Xuất phát từ sự tái xuất hiện của Công an Hà Nội và chức vô địch ở mùa trước, nên khi có Thể Công - Viettel, cũng có nghĩa là những trận “derby” máu lửa ngày nào trên đất thủ đô cũng “sống” lại. Một cuộc ganh đua đỉnh cao như vậy, hẳn là điều tích cực cho bóng đá Việt Nam.