Phải chăng Mbappe đang sao chép “chiêu trò” của LeBron, Durant trong môn bóng rổ?

Tuần trước, Kylian Mbappe bất ngờ PSG đã xác nhận với hãng tin AFP rằng anh ấy sẽ không kích hoạt tùy chọn năm thứ ba trong hợp đồng hiện tại của mình. Về cơ bản, anh ấy sẽ là cầu thủ tự do vào mùa hè tới... giống như mùa hè năm ngoái. Theo nhận định của ESPN, một hãng tin của Mỹ, thì câu chuyện này có vẻ giống đã xảy ra tại NBA – giải bóng rỗ nhà nghề Mỹ. Nghĩa là Mbappe tưởng là đi khỏi PSG nhưng chưa chắc đã đi.
Phải chăng Mbappe đang sao chép “chiêu trò” của LeBron, Durant trong môn bóng rổ?

Căn cứ vào những gì mà người ta biết về hợp đồng giữa Mbappe và PSG, thì tiền đạo người Pháp hiện có hai lựa chọn: Một là kích hoạt thêm 1 năm hợp đồng với số tiền định trước căn cứ theo thỏa thuận đã ký. Hai là anh ta không kích hoạt, nhưng đàm phán lại một hợp đồng mới với PSG sau khi đã “mở” cơ hội cho các CLB lớn khác nhằm tăng sức nặng trên bàn đàm phán. Theo ESPN, đây là những gì mà các huyền thoại bóng rổ Mỹ LeBron James và Kevin Durant đã làm.

NBA đang trong thời đại được gọi là "trao quyền cho cầu thủ". Các cầu thủ NBA đã nhận ra rằng họ đáng giá như thế nào đối với ông chủ của mình và họ đang sử dụng sức mạnh đến từ giá trị đó để giành lấy sự chủ động cho bản thân và tất nhiên, cũng có thể khiến cho tài khoản cá nhân của họ phình to thêm. Ví dụ rõ ràng nhất về điều này là vào mùa hè năm 2015, 2016 và 2017. Khi LeBron trở lại Cleveland Cavaliers vào năm 2014, anh ta ký hợp đồng 2 năm với tùy chọn là được quyền chọn đồng đội ở năm thứ 2. Cleveland phải đánh đổi một loạt cầu thủ trẻ và những lựa chọn dự thảo trong tương lai để có được Kevin Love, một ngôi sao kỳ cựu để cùng LeBron giành danh hiệu.

Nhưng sau mùa giải đầu tiên, khi Cleverland để thua trận chung kết trước Golden State Warriors, James bỏ quyền tùy chọn để trở thành cầu thủ tự do. Nhưng sau đó anh ta tái ký hợp đồng với Cleverland theo kiểu 1 kèm 1 (1 năm hợp đồng và tùy chọn năm thứ 2). Cleveland sau đó đánh bại Warriors để giành chức vô địch NBA vào mùa giải tiếp theo, và LeBron một lần nữa không thực hiện tùy chọn, mà lại ký hợp đồng mới với Cleverland.

Cùng mùa hè năm đó, để cạnh tranh cùng Cleveland, Golden State đã mua lại Durant, được cho là cầu thủ xuất sắc thứ hai giải đấu vào thời điểm đó sau LeBron. Golden State sau đó đánh bại Cleveland ở mùa kế tiếp và Durant làm những gì LeBron đã làm: anh ấy từ chối các tùy chọn để trở thành cầu thủ tự do và ký một thỏa thuận tốt hơn với Warriors. Đội này sau đó thắng Cleverland và Durant lại làm được điều đó. Nhưng khi Warriors thua Toronto Raptors ở trận chung kết mùa kế tiếp, Durant bỏ hợp đồng cũ nhưng lần này anh ta ký hợp đồng với Brooklyn Nets, nơi mà hợp đồng có khá nhiều tùy chọn giúp Durant có nhiều quyền quyết định trong việc chuyển nhượng cả với VĐV lẫn HLV.

Tóm lại, đó là thứ quyền lực của ngôi sao. Những người nhận thấy mình mang giá trị duy nhất khiến CLB kiểu gì cũng phải chấp thuận những yêu cầu. Họ không tiến hành các hợ đồng dài hạn, họ ưa thích những dạng hợp đồng mở, với nhiều tùy chọn cho các năm kế tiếp. Qua đó, họ được sử dụng toàn bộ các giá trị của mình để đem lại lợi ích cá nhân dựa trên tiêu chí là bảo đảm luôn lợi ích của CLB.

Mbappe ký hợp đồng với PSG vào năm 2017 với bản hợp đồng có thời hạn 5 năm. Lúc đó anh ấy 18 tuổi, nhưng trong vòng khoảng một năm trở lại đây, Mbappe thấy rằng mình là một trong hai hoặc ba cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, có thể trở thành cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời đại, người thừa kế rõ ràng của Messi và Cristiano Ronaldo. Lần đầu tiên tiền đạo này sử dụng sức mạnh đó vào mùa hè năm ngoái, khi hợp đồng ban đầu hết hạn. Ai cũng tưởng Mbappe sẽ đến Real, nhưng không, anh ta lại ký với PSG theo thời hạn ngắn đi kèm tùy chọn gia hạn.

Đây không phải là kiểu hợp đồng quen thuộc trong bóng đá. Ở môn thể thao này, yếu tố tập thể luôn có ý nghĩa lớn hơn môn bóng rổ. Vì vậy mà càng là ngôi sao, thì các bản hợp đồng thường rất dài hạn. CLB và bản thân cầu thủ đểu ý thức rất rõ là phải gắn lợi ích với nhau. Một ngôi sao cần chơi tại CLB lớn, vì chỉ ở CLB lớn thì mới có danh hiệu, đi kèm các lợi ích thương mại. Những gì xảy ra với LeBron hay Durant thực ra không quá phổ biến, bởi NBA là một thế giới khác, có tính đặc thù. Trong khi đó, bóng đá lại mang tầm vóc toàn cầu và ít nhiều gì cũng chịu những tác động từ nhiều phía, cầu thủ không hoàn toàn có quyền quyết định.

Nhưng Mbappe lại cho thấy anh ta không muốn trở thành một phần của truyền thống. Thời trang của anh ta, cách đối phó truyền thông, thái độ với đồng đối đang giống một ngôi sao bóng rỗ nhiều hơn. Mbappe vẫn chưa tiến xa như LeBron và Durant vì thực tế là quyền quyết định ký hợp đồng kiểu nào vẫn thuộc về các CLB chứ không phải Mbappe muốn là được, nhưng rõ ràng Mbappe đang muốn làm người tiên phong. Câu hỏi đặt ra: liệu có được không?

Đã gần tròn 30 năm kể từ ngày tiền vệ người Bỉ Jean-Marc Bosman đưa vụ việc của mình lên Tòa án Công lý Châu Âu để ra đời “Phán quyết Bosman” làm thay đổi cả thế giới. Trước đây, các cầu thủ không thể thay đổi đội ngay cả khi hợp đồng của họ đã hết hạn mà không phải trả phí chuyển nhượng cho câu lạc bộ ban đầu. Bosman muốn rời câu lạc bộ của mình, RFC Liege, nhưng họ từ chối để anh ấy ra đi sau khi hợp đồng của anh ấy hết hạn, thay vào đó ký hợp đồng mới với anh ấy và giảm 75% lương. Bosman đã thắng kiện, điều đó có nghĩa là các cầu thủ giờ đây được phép tự do thay đổi CLB khi hết hợp đồng. Kể từ đó, mọi thứ được vận hành ổn, không rắc rối gì cả. Điều này cho thấy sự tự do của các cầu thủ là yếu tố quan trọng nhất.

Đây là lý do mà bóng đá có thể áp dụng cách ký hợp đồng của bóng rổ, vì tựu trung, cũng là có lợi cho cầu thủ. Luật sư thể thao Jake Cohen nhận định: “Cách tối ưu để các cầu thủ bóng đá giảm thiểu rủi ro là họ có thể là ký hợp đồng dài hạn, nhưng với các điều khoản tùy chọn theo kiểu NBA”. Như vậy, nó vừa bảo đảm tính tuyền thống của bóng đá nhưng cung cấp cho cầu thủ sự an toàn về tài chính. Nó vừa có sự ràng buộc nhưng cũng bảo đảm tự do.

Vào năm 2015, Fifpro, hiệp hội cầu thủ quốc tế, đã đệ đơn kiện FIFA lên Ủy ban châu Âu khi cho rằng thị trường chuyển nhượng hạn chế sự dịch chuyển của cầu thủ một cách không công bằng. Dựa trên nghiên cứu của nhà kinh tế học Stefan Szymanksi, Fifpro lập luận rằng: thị trường chuyển nhượng tạo ra một môi trường phản cạnh tranh, nơi chỉ một nhóm nhỏ các CLB giàu có trói buộc các ngôi sao bằng những hợp đồng dài hạn. Xem ra, cách mà Mbappe đang làm với PSG cũng có lý, không hẳn vì anh ta bắt chước NBA.

Tin cùng chuyên mục