Ông Thắng đi độc đạo

Bất chấp thủ môn dày dạn kinh nghiệm Phí Minh Long đang dính chấn thương phải nghỉ 1 tuần, HLV Hữu Thắng vẫn quyết định loại 4 cái tên ở hàng phòng thủ, chỉ giữ lại 2 thủ môn. Điều này đồng nghĩa ông Thắng đã chọn “độc đạo” để đi đến HCV.
Chỉ còn thủ môn Tiến Dũng được HLV Hữu Thắng tin dùng khi chính thức bước vào đấu trường SEA Games. Ảnh: Dũng Phương
Chỉ còn thủ môn Tiến Dũng được HLV Hữu Thắng tin dùng khi chính thức bước vào đấu trường SEA Games. Ảnh: Dũng Phương
Giữ công, chấp thủ

Không chỉ mạo hiểm với trường hợp đăng ký chỉ  2 thủ môn mà 1 người đang chấn thương, đội U22 hiện nay về lý thuyết chỉ có đúng 5 cầu thủ đăng ký đá vai hậu vệ. Trong khi đó, trên hàng công hiện có 5 người đá tiền đạo. Đây là một sự thừa nhận của HLV Hữu Thắng: không thể cải thiện nổi hàng thủ.

Điều này không làm chúng ta bất ngờ, nhưng có đôi chút thất vọng và lo lắng. Nói gì thì nói, bất kỳ một nhà vô địch nào trên thế giới đều luôn phải có một hàng phòng ngự tốt. Đó là nền tảng cơ bản. Người ta hơn thua nhau ở hàng công, nhưng trước hết, phải thủ cho ổn trước đã. Với U22 Việt Nam hiện nay, coi như “chấp” hàng thủ.

Về lý thuyết, nếu sức công của chúng ta mạnh, thì việc dồn tinh hoa vào các khu vực từ giữa sân trở lên cũng là điều bình thường. Nhưng thử nghĩ xem, U22 hiện nay chỉ có 7 người cho một khu vực cần đến 5 vị trí trong khi đó lại có đến 13 người cho 6 vị trí còn lại. Trong đó, ngạc nhiên nhất là ở vị trí tiền đạo, vốn thường chỉ đá cắm 1 người nhưng hiện có đến 3 cầu thủ cùng lối chơi. Với việc chỉ được đăng ký 20 cầu thủ, đương nhiên sẽ không thể có 2 cầu thủ cho cùng 1 vị trí. Thông thường, người ta ưu tiên người cho những nơi dễ gặp rủi ro, ít ổn định nhất.
 
Độc đạo

Thế nhưng vấn đề lớn nhất trong việc “giữ công, bù thủ” đó là sự công khai chọn “độc đạo” của HLV Hữu Thắng. Nói rõ hơn, coi như U22 Việt Nam chỉ có một phương án duy nhất để tiếp cận trận đấu đó là kiểm soát và tấn công đối phương từ đầu đến cuối.

Một khi đã “lộ bài” như vậy thì cũng có nghĩa “giúp” đối thủ dễ dàng lựa chọn đối sách. Các đội yếu sẽ nhanh chóng chọn phòng thủ - phản công mà chẳng phải suy nghĩ. Những đội ngang tầm thì tính đến phương án phá lối chơi, kèm chặt những ngòi nổ của U22 Việt Nam. Đây là 2 việc tương đối dễ thực hiện hơn tìm cách thắng.

Kế đến, chọn lối chơi tấn công cũng có nghĩa là U22 Việt Nam sẽ đá theo tư thế “cửa trên”, thậm chí cả trận đá với Thái Lan (vì rất khó chơi thủ trước đội này). Với người hâm mộ, thái độ đó rất đáng để chờ đợi và hãnh diện. Thế nhưng, có thể nói đây là lần đầu tiên kể từ sau SEA Games 1999 và AFF Cup 2010, một đội tuyển Việt Nam lại đá giải bằng tư thế đó.

Lịch sử cho biết, bóng đá Việt chưa hề thành công khi đá “cửa trên”. Vì vậy, nếu ông Thắng thành công thì đó cũng là lần đầu tiên. Ngẫm cho cùng, nếu phải làm một cái gì đó thật đặc biệt, thì chọn “độc đạo” mà đi cũng đáng để thử lắm.

Tin cùng chuyên mục