Nhà cầm quân xứ Hàn chia sẻ là ông tận lực với đội tuyển Việt Nam nhằm lên ngôi vô địch sau cả thập kỷ đợi chờ, kể từ thời “phù thủy” Calisto. Theo kế hoạch, đến ngày 16-10, khi đã đầy đủ các thành viên, đội tuyển quốc gia sẽ sang Hàn Quốc tập huấn với 30 tuyển thủ. Dễ thấy trong bảng danh sách đưa ra, học trò của ông Park nhiều nhưng chất không nhiều, bởi đa số là những gương mặt cũ từng đá ở hai giải của châu Á nói trên và bây giờ tăng cường thêm một số cựu binh khác.
Với đội tuyển quốc gia được xây dựng theo hướng U23+ như vậy, nếu thiếu bản lĩnh và không xác định chỗ đứng ở cấp khu vực thì nó dễ trở thành thứ chống lại thầy trò ông Park. Qua hai giải đấu gặt hái thành công ở vai trò là đại diện duy nhất của Đông Nam Á vào sâu, các cầu thủ của ta khi đá AFF Cup sẽ bị những đối thủ như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… “soi” dường như là điều tất yếu.
Chắc chắn là khi đá AFF Cup với các đội tuyển quốc gia có lối chơi đa dạng khác nhau, thầy Park không thể dùng mãi bài cũ. Chia sẻ với báo chí, HLV Park từng không giấu giếm là ông chẳng muốn đội tuyển đá hoài bài tủ, vì làm như thế rất dễ bị… tủ đè. Thế nhưng, khó ở chỗ là các cầu thủ mới lên tuyển đều không dễ thích nghi ý đồ của ban huấn luyện. Do vậy mà ông phải nâng lên đặt xuống rất nhiều, khi cho học trò chơi với chiến thuật quen thuộc mà chúng ta đã thấy.
Ngoài chia sẻ với ông Park về những khó khăn trên, một chuyên gia bóng đá trong nước còn nhận định là nội lực của bóng đá trẻ Việt Nam thoạt nhìn thấy đông nhưng thật ra không tinh. Bởi tính đến nay ta vẫn chủ yếu trông chờ vào các “lò” đào tạo HAGL, Hà Nội, Viettel… mà đáng ra cần nhiều hơn nữa. Đấy là chưa nói hiện đa phần trong giới lãnh đạo nền bóng đá đang vui ra mặt vì những thành tích đạt được mà quên mất bóng đá trẻ và đội tuyển quốc gia là hai phạm trù khác nhau.
Mong là thầy Park biết “liệu cơm gắp mắm”, có nhiều thay đổi trong cách chơi và cả nâng cấp trình độ cầu thủ nhằm giúp người hâm mộ Việt Nam được thỏa mãn với cúp vàng sắp tới.