Những vấn đề vẫn khó giải quyết ở kinh tế thể thao

Diễn đàn kinh tế thể thao Việt Nam năm 2024 tổ chức và được nhiều ý kiến đánh giá tạm đủ thông tin chia sẻ nhưng nhìn thẳng vào thực tiễn thì làm kinh tế thể thao tại Việt Nam không dễ.

Các diễn giả trao đổi ý kiến của mình tại Diễn đàn kinh tế thể thao Việt Nam 2024. Ảnh: MINH MINH
Các diễn giả trao đổi ý kiến của mình tại Diễn đàn kinh tế thể thao Việt Nam 2024. Ảnh: MINH MINH

Vấn đề cơ chế, chính sách

Ở Diễn đàn kinh tế thể thao Việt Nam tổ chức lần đầu vào năm 2023, Cục trưởng Cục TDTT – ông Đặng Hà Việt từng chia sẻ quan điểm rất rõ đó là vấn đề cơ chế, chính sách là một trong những vướng mắc không nhỏ đối với kinh tế thể thao. Tại Diễn đàn kinh tế thể thao Việt Nam năm 2024 này, ngay trong phiên thảo luận đầu tiên, bản thân các diễn giả tiếp tục chia sẻ nhiều và vấn đề vẫn nằm ở điều này.

“Chủ trương xã hội hóa đối với hoạt động thể thao đã được triển khai và đây là cách làm đúng đắn. Nhưng phải thấy rằng ngoài những thuận lợi, việc phát triển kinh tế thể thao còn gặp không ít khó khăn mà một trong những vấn đề chính là cơ sở chính sách. Các văn bản quy phạm pháp luật cũng như những vấn đề trong khuyến khích kêu gọi các nhà đầu tư có không ít vướng mắc. Thêm nữa, vấn đề đặt cược thể thao là một trong những vấn đề đã được thảo luận nhưng chưa thực hiện. Ủy ban Olympic và các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao chưa năng động trong việc kêu gọi, tạo ra các giá trị cho những hoạt động thể thao. Hiện chỉ có một số Liên đoàn thực hiện được xã hội hóa ở sự kiện cụ thể, chưa làm được đầu tư bền vững cho hoạt động đào tạo huấn luyện vận động viên...”, ông Đặng Hà Việt chia sẻ.

Cùng quan điểm đó, đại diện Ban kinh tế Trung ương cũng cho rằng việc xây dựng các thể chế và doanh nghiệp tự tin trong các hoạt động kinh tế thể thao sẽ sẽ có được sự cạnh tranh hiệu quả nhất. Một trong những lưu tâm của doanh nghiệp đầu tư cho thể thao hay tham gia tài trợ đối với hoạt động thể thao đó là chính sách thuế. Doanh nhân Lê Văn Thành cho rằng chính sách thuế đối với doanh nghiệp tài trợ cho thể thao cần phải có sự ưu đãi thì mới có đơn vị sẵn sàng tham gia. Đại diện Vụ Pháp chế (Bộ VH-TT-DL) chia sẻ rằng hiện vẫn còn một số vướng mắc trong hệ thống văn bản trực tiếp đối với hoạt động kinh tế thể thao. Lĩnh vực thể thao hiện chưa nằm trong các danh mục đối với Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Bài toán định vị giải đấu

Kinh tế thể thao được hiểu làm thế nào để thể thao sinh ra lợi nhuận, mang lại những giá trị kinh tế tốt nhất để nuôi chính nó. Yếu tố nào sẽ giúp kinh tế thể thao phát triển tốt là điều được trao đổi tích cực nhất. Trong quan điểm của mình, một số diễn giải bày tỏ thực tế người làm quản lý phải định nghĩa được kinh tế thể thao nhắm tới thị trường nào. Từ đó, họ xây dựng được sản phẩm cung cấp cho đối tượng và từ sản phẩm đó sẽ hình thành dịch vụ.

IMG_1672.jpg
Cục trưởng Cục TDTT - ông Đặng Hà Việt trao đổi tại Diễn đàn lần này. Ảnh: MINH MINH

Bóng đá đang được xem là cách làm kiểu mẫu ở Việt Nam về việc một môn thể thao sinh lời từ sản phẩm của mình. Bản quyền truyền hình, nhà tài trợ, quảng cáo, bán vé... là các yếu tố sinh ra lợi nhuận. “Chúng tôi tiến tới mua bản quyền truyền hình của 1 giải đấu phải tính toán nhiều qua các yếu tố mà trên hết đó là chất lượng, hình ảnh của giải đấu đó. Giải thể thao khẳng định được vị trí, nhà đầu tư sẽ tính được bài toán kinh tế, có thể hồi vốn hoặc lỗ hay lãi”, đại diện đơn vị truyền hình bản quyền TV360 đưa phân tích của mình.

Nhìn xuyên suốt, muốn sinh lời cho giải thể thao cụ thể, trong giai đoạn này, việc đa dạng hóa khai thác cũng như tạo được sản phẩm độc lạ, kích thích được người xem cũng như có cộng đồng khán giả của mình là cần thiết. Thể thao Việt Nam chưa phải nền thể thao phát triển mạnh nhất. Nó còn phụ thuộc ở các điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước. Chúng ta đủ cơ hội học hỏi những quốc gia đã làm tốt kinh tế thể thao ở Đông Nam Á, châu Á nhằm tích lũy rút kinh nghiệm thì sẽ thành công.

Lần thứ 2, Diễn đàn kinh tế thể thao Việt Nam được tổ chức. Thêm các gợi mở được đưa ra. Nhưng rõ ràng, người tham dự vẫn đơn thuần là nhà quản lý thể thao, người làm chuyên môn thuần túy mà vắng đại diện của các cơ quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương hay thiếu những đại diện các Quỹ tài chính (có đầu tư vào thể thao), thiếu doanh nhân đang làm thể thao ở Việt Nam nên góc nhìn về kinh tế thể thao chưa giải quyết được nhiều.

Tin cùng chuyên mục