Từ quan điểm phần vì định kiến, phần do suy nghĩ tượng hình, ông bà, cha mẹ thường quở con cháu là chơi nhiều còn sức đâu mà học. Điều đó đúng nếu vì chơi mà kiệt sức. Tuy nhiên, ai cũng hiểu thiếu niên mà không được giải trí vui chơi thì đời xuân xanh còn gì mộng mơ.
Đừng tưởng lầm đó chỉ là chuyện tâm lý. Kết quả nghiên cứu đại trà ở các trường trung học bên Đức cho thấy tỷ lệ trẻ rối loạn cá tính rất cao ở nhóm không có giờ thể thao mỗi ngày. Đi xa hơn nữa, chuyên gia về tâm lý quả quyết: Khả năng học tập của trò tùy thuộc rất nhiều vào hình thức giải trí. Dựa vào mô hình câu hỏi trắc nghiệm cho nhiều nhóm đối tượng nam nữ trong độ tuổi 12 - 18, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận:
- Bạn trẻ ngồi nhiều giờ trước máy truyền hình có số câu trả lời sai nhiều nhất.
- Bạn trẻ ngồi nhiều giờ trước máy vi tính có số câu trả lời đúng tuy cao hơn và thời gian hoàn tất bài thi tuy ngắn hơn nhưng hầu như không cải thiện được số câu trước đó trả lời sai khi lặp lại bài thi.
- Bạn trẻ giải trí bằng trò chơi trí óc như cờ vua, sudoku…, có số câu trả lời sai tuy thấp nhất nhưng thời gian hoàn tất bài thi lại lâu nhất.
Chơi thể thao giúp trẻ cải thiện IQ tốt hơn.
Điểm lý thú là nhóm có tỷ lệ cao nhất về câu trả lời đúng, có thời gian hoàn tất bài thi đúng hạn và nhất là có độ sửa sai cao nhất đối với các câu đã trả lời trật khi lập lại bài thi lại là nhóm tham gia thường xuyên hoạt động thể dục thể thao. Để chắc chắn hơn các nhà nghiên cứu đã đánh giá tỷ lệ thông minh (IQ) của nhóm thiếu niên nam - nữ trước và sau khi chơi thể thao 6 tháng. Kết quả cho thấy 40% trẻ có chỉ số IQ được cải thiện sau 6 tháng chơi thể thao. Số này đặc biệt được ghi nhận ở trẻ chọn được môn ưa thích. Chỉ số IQ thậm chí được tiếp tục cải thiện thấy rõ sau 12 tháng nếu trẻ là “vận động viên” tối thiểu 5 lần/tuần. Mức độ cải thiện tỷ lệ thuận rõ ràng với 2 yếu tố:
- Trẻ chơi mà không mệt.
- Trẻ chơi với kỹ thuật ngày càng điêu luyện.
Số trẻ có IQ không cải thiện là đối tượng hoặc không tham gia thể thao thường xuyên, hoặc cho dù tham gia đều đặn nhưng không hứng thú.
Đừng tưởng đây chỉ là chuyện ghi nhận tình cờ. Chuyên gia về y học thể dục đồng thời ghi nhận là chỉ số IQ của 3/4 đối tượng trước đó cải thiện nhờ thể thao, đã giảm xuống một cách đáng lo chỉ trong 3 tháng khi không tiếp tục chơi môn thể thao ưa thích. Điều này không có gì khó hiểu vì thầy thuốc đã biết từ lâu là khả năng tiếp nhận kiến thức tùy thuộc vào lượng nội tiết tố endorphin sản sinh từ tuyến yên nhờ đòn bẩy là cảm giác vui vẻ sau giờ giải trí. Nói cụ thể hơn, chơi càng vui càng mau thuộc bài.
Nhờ chơi đúng cách mà thông minh hơn, lại thêm tươi tắn. Ai lại không mong con trẻ nhà mình như thế.
Bác sĩ LƯƠNG LỄ HOÀNG