1. Khi những tiếc nuối về thất bại tại SEA Games 29 dường như vẫn chưa nguôi ngoai với CĐV Việt Nam thì ngay lập tức, người ta lại sa đà vào bản danh sách đội tuyển quốc gia của HLV Mai Đức Chung. Có vẻ như chúng ta không có thói quen chấp nhận thất bại, hay đúng hơn, là chấp nhận sự kém cỏi của chúng ta nên mới săm soi bản danh sách ấy.
Thật ra, các quan trọng lúc này đó là phải biết mình đang ở đâu. Cứ lấy trận chung kết SEA Games 29, nơi lần đầu tiên áp dụng độ tuổi U22 làm cột mốc.
Từ năm 1995 đến trước trận chung kết, Việt Nam có 5 lần đá chung kết nhưng không có chức vô địch. Ngược lại, Malaysia chỉ 3 lần nhưng thắng 2 lần trong khi Thái Lan vào chung kết lần nào là thắng lần đó. Tóm lại, ai thắng trong trận đấu hôm qua cũng xứng đáng hơn Việt Nam.
Ngắn hơn một chút. Trong 5 kỳ SEA Games gần nhất, Thái Lan và Malaysia đều có mặt ở 3 trận chung kết, trong khi Việt Nam, Indonesia, Myanmar chỉ 1 lần. Con số này phản ảnh đúng thực trạng của làng cầu Đông Nam Á trong khoảng thời gian đó, và cũng thể hiện rõ thế - lực của 5 làng cầu nói trên trong suốt chiều dài lịch sử của SEA Games. Nói như vậy để thấy rằng, suốt bao nhiêu năm qua, tương quang trình độ của các nền bóng đá hầu như không thay đổi. Những con số không biết nói dối. Cần phải nhìn thẳng vào thực tế này để chấp nhận một sự thật: Bóng đá Việt Nam chẳng tốt hơn đội nào ở bán kết SEA Games 29 cả.
2. Tại sao phải nhìn cho rõ? Bởi hiện nay đang có phong trào hô hào thay đổi cái này, cải thiện cái kia mà chẳng ai có thể chỉ ra được nếu thay đổi. Cải thiện như vậy thì sẽ đạt được cái gì. Năng lực của nền bóng đá chúng ta chỉ chừng đó, nó đã kéo dài suốt một quá trình hơn 20 năm, không thể cứ có quyết tâm là tự nhiên sẽ khác, nếu không dám nhìn thẳng vào sự yếu kém đã được đúc kết. Không lẽ chỉ cần thay đổi VFF, thuê một HLV ngoại, thì sẽ hơn người Mã, người Thái hay sao? Không lẽ ta tiến lên còn họ dừng lại hay sao?
Vì không nhìn vào sự thật nên mới có chuyện săm soi cái bản danh sách đội tuyển của HLV Mai Đức Chung. Chúng ta quên mất rằng, bất kỳ cầu thủ nào chịu lên tuyển hiện nay đều có thể xem là dũng cảm. Được khoác áo quốc gia lúc này, không còn là cái gì đó thèm khát nữa rồi. Các cầu thủ không thể chơi bóng khi mà áp lực xung quanh họ lớn hơn nhiều so với năng lực của họ. Cầu thủ đâu có lỗi gì trong chuyện đó.
Tóm lại, cái cần thay đổi đầu tiên là ở tư duy “nhìn thẳng vào sự thật” thay vì cứ quen căn bệnh “đổ thừa” cho cầu thủ, HLV hay kể cả VFF.