Nguồn lực Việt kiều cho thể thao đỉnh cao không thiếu. Cho dù Việt Nam không có chính sách nhập tịch VĐV để mưu cầu thành tích, nhưng thực tế cho thấy ngày càng nhiều Việt kiều mong muốn được thi đấu cho Việt Nam. Hơn nữa, một khi họ đã có quốc tịch Việt Nam và mang dòng máu Việt trong người thì không có lý do gì để từ chối nguyện vọng cống hiến của họ.
Tuy nhiên, nguồn lực Việt kiều vừa là lợi thế lớn để thể thao Việt Nam có thể vươn tầm thế giới, nhưng cũng là một bài toán đặt ra cho những nhà quản lý trong việc vừa tận dụng tốt nguồn lực trên nhưng cũng không làm ảnh hưởng đến tiến trình phát triển thể thao quốc gia. Nói cách khác, cho dù chúng ta sở hữu một nguồn lực rất lớn từ các VĐV Việt kiều, nhưng sử dụng thế nào thì cần lựa chọn khôn ngoan.
Ví dụ như chỉ ưu tiên sử dụng VĐV Việt kiều ở các môn, nhóm môn có yêu cầu đặc biệt về thể chất và điều kiện tập luyện hoặc chúng ta chưa có lực lượng VĐV đẳng cấp châu lục. Có thể lấy trường hợp của môn bóng rổ hay quần vợt, bơi lội. Ở thời đỉnh cao, Ánh Viên mất gần 3 năm tập huấn ở Mỹ với chi phí cực kỳ tốn kém trong điều kiện một thầy - một trò nơi xứ người. Nếu chúng ta có VĐV Việt kiều mang quốc tịch Mỹ, thì đó lại là một thuận lợi. Ngoài ra, nhóm môn xã hội hóa, ít phổ biến tại Việt Nam, thì cũng có thể khuyến khích mời gọi các VĐV Việt kiều về cống hiến cho quê hương.
Ngược lại, với rất nhiều môn, lại cần sự thận trọng. Bóng đá Philippines sử dụng gần như toàn bộ cầu thủ được sinh ra và sống ở nước ngoài bởi vì bóng đá trong nước rất kém, không phải là môn thể thao phổ thông.
Trong khi đó, Việt Nam lại đang nỗ lực để phát triển bóng đá chuyên nghiệp, đây là môn thể thao số 1, điều tiên quyết là phải khai phá hết những tiềm năng của nền bóng đá chứ không chỉ là thành tích trên cấp độ đội tuyển. Việc sử dụng cầu thủ Việt kiều trong trường hợp này không hẳn là tốt, nhất là với môn chơi tập thể cần có sự đồng đều về trình độ giữa các cầu thủ.
Nói cách khác, những môn thể thao nằm trong chương trình đầu tư trọng điểm để vươn tầm châu Á, thế giới thì không nhất thiết phải tận dụng nguồn lực Việt kiều. Vì với các môn này, quá trình đầu tư là dài hạn và yêu cầu liên tục về đào tạo tuyến kế thừa, nên đi chậm mà chắc sẽ tốt hơn sử dụng một VĐV Việt kiều để đạt thành tích trong khoảng thời gian ngắn nhưng sau đó để lại khoảng trống lớn.
Lấy 2 môn bóng bàn và bóng chuyền làm ví dụ. Ngay thời điểm mà Singapore nhập tịch VĐV gốc Trung Quốc ồ ạt, thì bóng bàn Việt Nam vẫn có những chiến tích ấn tượng tại SEA Games. Hoặc bóng chuyền trước đây bị xem là bất lợi đối với VĐV Việt Nam, nhưng qua thời gian kiên trì phát triển thì cũng đã có những bước tiến lớn.
Nói cho cùng, sự lớn mạnh của một nền thể thao quốc gia phải dựa trên nội lực. Cũng không hẳn đã hay khi các VĐV cả năm trời sinh sống ở đâu đó, đến lúc thi đấu mới xuất hiện trong màu áo quốc gia.