Người khôn - kẻ khó

Người khôn - kẻ khó

Không hẹn mà gặp, trong cùng thời điểm, một loạt giải đấu giao hữu có thưởng lớn được các CLB tổ chức trong bối cảnh mà con đường của VPF vẫn còn đang gặp nhiều hoài nghi. Thấy gì từ những giải đấu như vậy?

Nhu cầu có được nhiều trận đấu của các CLB nhằm phát triển thương hiệu là một thực tế. Ảnh: Hoàng Hùng

Nhu cầu có được nhiều trận đấu của các CLB nhằm phát triển thương hiệu là một thực tế. Ảnh: Hoàng Hùng

Đầu tiên, có thể nói, việc tổ chức, điều hành những giải đấu không có chuyện gì quá ghê gớm. Tất nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại là do không có tính chất lên - xuống hạng nên mọi việc cũng chẳng đến mức phức tạp. Sẽ không có nhiều bạo lực, không có chuyện nhường nhịn điểm số (riêng chuyện tiêu cực thì còn …tùy). Nhưng nhìn chung, công tác tổ chức không khó đến mức chỉ có VFF mới đủ khả năng.

Kế đến, nhiều giải đấu diễn ra cùng thời điểm cho thấy nhu cầu thi đấu của các CLB rất lớn khi thời gian tổ chức các giải chính thức trong năm chỉ có 6 tháng. Từ lâu nay, các CLB luôn muốn có thêm thời gian thi đấu để tránh lãng phí tiền đầu tư. Cực chẳng đã phải tổ chức các giải đấu vừa tốn kém mà nói cho cùng, cũng chỉ là đấu cho vui chứ tính chất cạnh tranh thường rất ít.

Cuối cùng, vấn đề lớn nhất của các CLB hiện nay không phải là kiếm được tiền lời từ hoạt động thi đấu mà chủ yếu vẫn là phát triển thương hiệu CLB. Họ cần thêm mật độ phủ thông tin trên các phương tiện truyền thông hơn là cứ phải tốn kém cho các phi vụ PR ồn ào trên thị trường chuyển nhượng. Nhu cầu đó rất cần được Công ty VPF nghiên cứu kỹ thay vì cứ nhấn nhá việc chia được bao nhiêu lợi nhuận cho các CLB.

o0o

Những vấn đề nói trên tưởng là bình thường nhưng nếu tìm hiểu kỹ, nó sẽ giải quyết rất nhiều khúc mắc hiện nay của bóng đá Việt Nam. Việc xây dựng hệ thống thi đấu làm sao để tăng thêm số lượng giải có tính cạnh tranh thành tích, gia tăng thêm thời gian thi đấu trong năm để tránh lãng phí và quảng bá rộng hơn thương hiệu CLB, có thể giúp cho sự phát triển chất lượng của cầu thủ.

Ví dụ: Nếu thời gian thi đấu dài hơn, nhiều giải đấu chính thức hơn thì hẳn các CLB phải tính toán đến việc xoay vòng cầu thủ thay vì dồn đội hình 1 tập trung cho 26 trận mỗi mùa. Với số lượng đăng ký khoảng 30 cầu thủ mà đá đến 40-50 trận mỗi mùa thì rõ ràng, các CLB buộc phải sử dụng cầu thủ trẻ nhiều hơn. Bên cạnh đó, nếu có qui định thi đấu đội hình trẻ trước các trận chính thức thì việc có đất diễn cho cầu thủ trẻ đâu đến mức quá khó. Phát sinh duy nhất là chi phí đi lại của đội hình B nhưng chúng tôi tin, đây chẳng phải là điều vượt ngoài khả năng của các CLB.

Chúng tôi tin rằng, chỉ cần thay đổi hình thức tổ chức, xem xét thời gian thi đấu và “ép” các CLB phải có đội hình B thì sẽ giải quyết được một loạt vấn đề liên quan đến thương hiệu CLB, số lượng khán giả đến sân cũng như tạo thêm không gian thi đấu cho cầu thủ nội.

o0o

Một trong những điều đáng tiếc nhất từ cách xử lý thất bại tại SEA Games 26 đến việc hình thành Công ty VPF đó là chẳng có một cuộc hội thảo về chuyên môn nào làm cơ sở giải quyết các vấn đề của bóng đá Việt Nam. Chưa bao giờ, tiếng nói của các nhà chuyên môn lại yếu như lúc này. Người ta chỉ thấy các ông bầu hoặc giám đốc điều hành CLB hoặc vài nhân vật lãnh đạo ở VFF nói về tương lai bóng đá Việt. Đấy chính là lỗ hổng lớn nhất mà dường như chưa ai nói đến. Tại sao không ai mời các HLV và những “cây đa, cây đề” của làng cầu ngồi lại với nhau để giải quyết các vấn đề chuyên môn. Chẳng ai cũng có quyền nói về chuyên môn ngoài chính dân trong nghề.

Khi tiếng nói của người làm nghề không được đánh giá cao, vậy thì bóng đá có phải là bóng đá nữa hay không?

Thế mới có chuyện “người khôn” thì nói mãi về việc kiếm tiền còn “kẻ khó” thì cứ phải liệu cơm gắp mắm lo chuyện thành tích đội bóng.


 Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục