Bóng đá Việt Nam hiện nay so với thời trước, thời của các bậc cha anh như Đỗ Thới Vinh, Nguyễn Văn Ngôn, Hà Tam, thủ môn Phạm Văn Rạng, Phạm Huỳnh Tam Lang… có nhiều điều kiện và thuận lợi hơn rất nhiều trong việc rèn luyện, phát triển tài năng. Tuy nhiên, cái mà các bạn trẻ ngày nay còn thiếu là sự đam mê, tính khổ luyện và tài năng bẩm sinh.
Tôi còn nhớ tiền đạo Đỗ Thới Vinh tập luyện trên sân cát, vì hồi đó hiếm có sân cỏ tự nhiên, sân có nhân tạo thì hoàn toàn không, với đôi giày vải thô như thế nào. Anh tập từ chiều, sau khi đồng đội ra về hết đến khi trời sẩm tối, đến nỗi thủ môn mệt quá phải rúc ra sau cầu môn ngồi trốn để nghỉ dưỡng sức. Tập dữ dội như thế, nên chúng ta mới có cú vô lê, “ngã bàn đèn” bất hủ, mang thương hiệu “Vinh đầu hói”.
Hay như “Lưỡng thủ vạn năng” Phạm Văn Rạng, từng được gọi vào đội tuyển châu Á giao đấu với các đội bóng lớn của châu Âu, phải bay tới, bay lui giữa hai cột khung thành hàng trăm lần mỗi buổi tập, bay người không bóng và bay tự do như chim. Phản xạ tuyệt vời trời cho cộng với độ dẻo, sức bền do tập luyện đã giúp ông có cú bay người phá bóng bất hủ, khi đứng chôn chân nơi trụ thành bên này, mà vẫn bay ngược người với tay qua trụ thành bên kia phá bóng, trước sự ngỡ ngàng của tiền đạo Thụy Điển và tiếng reo hò như sấm của hàng chục ngàn khán giả.
Ngày xưa, cầu thủ thi đấu ít, đấu quốc tế còn ít hơn, phương tiện tập nghèo nàn, tập thể lực chỉ có vài quả tạ, rèn sức bền chỉ có chạy và chạy, nhưng có năng khiếu và niềm say mê. Ngày nay, cầu thủ có đủ điều kiện tập luyện, phương tiện tập hiện đại, thầy giỏi kèm cặp, thi đấu nhiều, nhất là đấu quốc tế liên tục. Đọc báo, tôi thấy cầu thủ trẻ U.22 của ta sắp dự giải châu Á, đó là điều tốt và rất cần thiết. Nhưng tập luyện và thi đấu không thôi thì chưa đủ, nếu không bơm cho các bạn trẻ niềm say mê, tinh thần khổ luyện và ý chí thi đấu vì màu cờ, sắc áo quốc gia. Điều đó còn cần thiết hơn gấp bội phần.
Bóng đá chuyên nghiệp có hai mặt của nó. Một mặt, nó mang đến sự giàu có, tiền bạc cho cầu thủ. Mặt còn lại, nó làm biến chất những cầu thủ không vững vàng về nghề nghiệp và đạo đức. Trong số đó, lớp cầu thủ trẻ là đáng lo nhất. Ngày xưa, chưa có bóng đá chuyên nghiệp, mọi thứ tự lo lấy và “liệu cơm gắp mắm”, có gì ăn nấy, chấp nhập sống trong khó khăn. Ngày nay, khi tiền bạc rủng rỉnh, giá trị chuyển nhượng tiền tỷ thì lại dễ tha hóa, sinh hư.
Vậy thì phải làm sao đây? Bóng đá chuyên nghiệp thì vẫn phải tiến tới, tiền bạc, giàu sang thì không ai không cần, nhưng vẫn cần ôn lại bài học đạo đức, khổ luyện ngày xưa để dùng cho ngày nay.
TRƯƠNG PHÁT