Hôm qua, trên một tờ báo có bài đề cập chuyện bóng đá ta đang thiếu thần tượng, trong khi
nhìn sang giới showbiz lại thấy đầy rẫy những thần tượng của giới trẻ. Một vấn đề đáng suy ngẫm, dù trước đây chưa lâu bóng đá nội có nhiều cầu thủ thuộc thế hệ vàng nổi lên như người hùng trong lòng người hâm mộ.
Đó cũng là suy nghĩ của Trần Công Minh. Cựu hậu vệ này nói không sai khi bóng đá thời của anh rất nhiều đứa trẻ lẫn thanh thiếu niên còn mặc chiếc áo có in tên chính anh hay Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Đỗ Khải, Sỹ Hùng… trên lưng. Rồi có bài hát được “chế” lại để xưng tụng những cầu thủ thuộc thế hệ vàng của thập kỷ 90 sau SEA Games 18, Tiger Cup 96 hay SEA Games 19, Tiger Cup 98… xen lẫn cảnh người hâm mộ tràn xuống đường ăn mừng, phấn khích.
Lúc này thì hình ảnh đó không còn nữa bởi bóng đá VN bị thụt lùi và đánh mất bản sắc của mình. Nhiều người đến giờ vẫn còn tiếc nuối cho thời điểm bóng đá VN sản sinh tài năng gần như đến mức khủng hoảng thừa. Kiểu như Huỳnh Đức nắm giữ suất đá chính thì Minh Chiến và Quốc Cường phải thay nhau đá cặp với anh; hay ở giữa sân tài hoa như Minh Hiếu phải đành chấp nhận dạt biên; hoặc Văn Sỹ vốn là nhạc trưởng của Nam Định lẫy lừng cũng nhiều phen ngồi dự bị… Còn bản thân họ đều là những biểu tượng của CLB mình thi đấu.
Nó khác xa ngày nay bóng đá được đầu tư rất nhiều tiền với cái tiếng làm chuyên nghiệp, nhưng đội bóng mắc bệnh thành tích, còn cầu thủ chỉ chú ý tới giá chuyển nhượng, mức lương, phí lót tay, tiền thưởng và những hậu mãi. Cũng không giống chuyện các CLB ào ạt nhập tịch, nhất là ở vị trí xung yếu như tiền đạo, tiền vệ trung tâm và trung vệ nên cầu thủ nội xem ra hết đất diễn. Điều mới hôm qua thôi, ông Phạm Ngọc Viễn - Tổng Giám đốc VPF cũng than trời trên báo mà chưa có biện pháp tháo gỡ.
Đồng ý bóng đá chuyên nghiệp cần mở cửa, nhưng cách mở của ta lại khác so với Thai-League láng giềng. Trong lúc cầu thủ Thái được cân đối làm sao để chơi với ngoại binh, cầu thủ nhập tịch nhưng có nhiều cơ hội phát triển hơn, còn ở V-League mọi thứ bị thả nổi. Nên dễ hiểu vì sao ở SEA Games 27 vừa rồi Việt Nam lấm lưng trắng bụng thì người Thái đang có lứa cầu thủ tài năng, đầy hứa hẹn.
Cầu thủ ngày trước thiếu người hâm mộ trên khán đài sẽ buồn và đá không sung. Còn cầu thủ thời nay đông hay vắng khán giả chẳng phải quan trọng mà cái chính là sau trận đấu đó được ông bầu thưởng bao nhiêu(!?).
Trong thời đại công nghệ thông tin, truyền thông, quảng cáo như “bão’ hiện nay bóng đá rất dễ có thần tượng. Nhưng tiếc rằng chúng ta lại đánh mất, và giờ thì tất cả phải trông chờ vào lứa U19 sẽ cho ra thần tượng mới. Qua cách khán giả vài ngày rồi rồng rắn xếp hàng chờ mua cho được tấm vé vào sân, ta thấy được điều đó nhưng tiếc là những nhà làm bóng đá lại không thấy hay cố tình không muốn thấy?
ĐỨC DŨNG