Trong 2 năm liên tiếp (2012, 2013), vòng chung kết giải U.21 quốc gia đã chứng kiến những “hiện tượng” mang tên Ninh Thuận và Vĩnh Long. Các đội bóng trẻ của 2 địa phương này đã bất ngờ lọt vào đến trận đấu cuối cùng của giải đấu và sau đó chỉ chịu dừng bước trước các nhà vô địch khi đó là SLNA (năm 2012) và HN T&T (năm 2013).
Thế nhưng những lứa cầu thủ trẻ đó sau 2 - 3 năm đến nay đã gần như biệt tăm.Bóng đá Ninh Thuận và Vĩnh Long sau thành công của lứa U.21 đó cũng không làm sao ngoi lên được bóng đá đỉnh cao. Bởi trên thực tế có mấy cầu thủ thuộc lứa U.21 khi đó là người con thực sự của mảnh đất Ninh Thuận và Vĩnh Long?
Ở giải U.21 quốc gia năm 2013, Vĩnh Long từng tạo nên bất ngờ tại sân Lạch Tray. Ảnh: Hoàng Hùng
Hơn nữa, nếu thực sự là người của các đội bóng này và tiếp tục ở lại với đội bóng quê hương thì sau một thời gian tất yếu sẽ bị “cùn đi” khi chỉ được chơi ở các giải đấu hạng thấp của bóng đá Việt Nam. Minh chứng tiêu biểu là bóng đá Nam Định với những cái tên từng lên ngôi vô địch giải U.21 quốc gia năm 2011 như Anh Quang, Nhật Nam, Danh Ngọc… trong những năm gần đây vẫn chỉ lên xuống giữa giải hạng Nhì và giải hạng Nhất mà thôi.
Rõ ràng là với phương thức tổ chức các giải trẻ như hiện nay, vừa mang nặng tính hình thức (các đội bóng vay mượn quân của nhau), vừa chẳng giải quyết nổi bài toán lực lượng cho bóng đá đỉnh cao (đặc biệt là đối với các đội bóng chưa đủ điều kiện để vươn cao hơn).
Bởi thế không phải là vô cớ khi nhiều người đang tự hỏi liệu lứa U.21 An Giang năm nay của HLV Trần Ngọc Thái Tuấn đang gây ấn tượng mạnh khi giành vé vào bán kết, không biết rồi đây sau vài năm nữa có đi theo vết xe đổ của nhiều đội trẻ trước đây. Nhất là khi đội lớn An Giang hiện nay vẫn còn đang vất vưởng ở tận giải hạng Ba?!
Hy vọng những bài học từ nhiều địa phương khác sẽ giúp ích nhiều cho An Giang hiện nay.
THÙY TRÂM