Từ trước đến nay, các CLB bóng đá nữ của chúng ta chưa từng thi đấu quốc tế nhưng bây giờ thì đã có mặt tại một sân chơi tầm châu lục.
Được xếp vào nhóm các nền bóng đá mạnh, nằm trong tốp 6 châu Á và từng dự vòng chung kết World Cup, bóng đá nữ Việt Nam đương nhiên không thể vắng mặt ở sân chơi hàng đầu. Nhưng cũng có thực tế, đó là ngay việc vận hành của giải vô địch quốc gia hiện đang rất khó khăn do những vấn đề về tài chính. Trong 8 CLB bóng đá nữ hàng đầu hiện nay chỉ có một đội thuộc sở hữu tư nhân, đáp ứng được các điều kiện về chuyên nghiệp.
Trong khi đó, bóng đá quốc tế ngày càng phát triển. Tại châu Á, các giải đấu cấp CLB ngày một nhiều hơn. Một CLB bóng đá nam có thể đá đến 10-15 trận quốc tế mỗi năm nếu tham dự đầy đủ các giải thuộc AFC và AFF. Với bóng đá nữ, không loại trừ cũng sẽ có mật độ thi đấu tương tự trong tương lai. Nghĩa là cho dù chúng ta muốn đứng yên hoặc muốn trì hoãn để có thêm thời gian hoàn thiện tính chuyên nghiệp cũng không được. Phải thích ứng, đó là lựa chọn duy nhất.
Ví dụ như câu chuyện xuất ngoại là không có điểm dừng dù hiện nay sau khi Công Phượng về nước thì chúng ta không còn cầu thủ nào chơi bóng ở nước ngoài. Sớm hay muộn vẫn phải thúc đẩy việc xuất ngoại cầu thủ ở nhiều cấp độ khác nhau, bao gồm bóng đá nữ và futsal.
Hàng loạt giải đấu hàng đầu châu Á đang dành riêng 1 suất cho các cầu thủ Đông Nam Á, còn ở các giải cấp CLB châu Á thì không giới hạn suất ngoại binh. Chưa bao giờ cầu thủ Việt Nam lại có nhiều triển vọng nghề nghiệp tốt như vậy. Vấn đề còn lại là cần phải có tâm thế chinh phục, chuẩn bị các yếu tố về ngoại ngữ, năng lực để chấp nhận các thách thức quốc tế.
Trước xu thế hội nhập ấy, vai trò của các cơ quan quản lý như VFF hay VPF càng phải rõ nét hơn. Ví dụ như có chương trình hỗ trợ các cầu thủ xuất ngoại. Hoặc đối với bóng đá nữ, cần có những đột phá để tăng số lượng CLB chuyên nghiệp thông qua cơ chế hỗ trợ cho các CLB nam tham gia thêm mảng này, tương tự như việc xây dựng các tuyến U.
Bóng đá nữ rồi cũng sẽ phải có ngoại binh thi đấu như ở bóng chuyền và cũng phải có thêm những Huỳnh Như ra nước ngoài thi đấu. Những dòng chảy ngược - xuôi ấy là không thể dừng lại và điều đó có lợi cho việc nâng cao chất lượng của bóng đá Việt Nam.