Mừng vì được… chê

Nhà cầm quân người Áo Alfred Riedl từng nói câu nổi tiếng: “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc” lưu truyền cho đến hôm nay, thậm chí là mãi về sau này, để phàn nàn cách làm bóng đá rất thiếu căn cơ và bài bản của chúng ta. Kể từ sau vụ đó, đúng là bóng đá Việt tiến bộ nhiều, cải cách đáng kể cả về hình thức lẫn nội dung, cho dù nếu sòng phẳng mà nói, cái tư duy làm bóng đá tùy hứng thì vẫn chưa thể loại bỏ hoàn toàn.

Nhà cầm quân người Áo Alfred Riedl từng nói câu nổi tiếng: “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc” lưu truyền cho đến hôm nay, thậm chí là mãi về sau này, để phàn nàn cách làm bóng đá rất thiếu căn cơ và bài bản của chúng ta. Kể từ sau vụ đó, đúng là bóng đá Việt tiến bộ nhiều, cải cách đáng kể cả về hình thức lẫn nội dung, cho dù nếu sòng phẳng mà nói, cái tư duy làm bóng đá tùy hứng thì vẫn chưa thể loại bỏ hoàn toàn.

Bóng đá Việt vẫn nặng tính biểu diễn. Ảnh: Minh Hoàng

Mới đây, lại có thêm vị HLV nước ngoài khác lên tiếng chê bai bóng đá Việt, bảo rằng các cầu thủ Việt Nam đang phá bóng chứ chẳng phải kiểm soát bóng để chơi bóng, cống hiến cho người hâm mộ những trận cầu bắt mắt. Tất nhiên, nói như ông Petrovic thì cũng chưa thật đầy đủ vì nhiều trận đấu ở V-League rất đáng xem, có chất lượng chuyên môn cao, tỷ lệ để bóng chết ít và luôn có nhiều bàn thắng.

Tuy nhiên, ngẫm thì hóa ra dù ông Petrovic mới đến làm việc cùng CLB Thanh Hóa vài tháng cũng đã kịp “bắt mạch” được một trong những căn bệnh trầm kha của bóng đá Việt Nam, tức là tư duy chơi bóng. Ông Petrovic từng vô địch Champions League, nơi quy tụ những CLB hàng đầu châu Âu. Ở đó, bóng đá đã trở thành thứ nghệ thuật hấp dẫn, lôi cuốn người xem khắp thế giới. Ở đó, những tên tuổi như Barcelona, Real Madrid, Man.United, Juventus, AC Milan… đều chứng minh rằng nếu muốn thắng đối phương, bạn phải là người chơi bóng giỏi hơn, nhịp nhàng hơn, kiểm soát thế trận tốt và mang tính khoa học nhiều hơn.

Nhiều cầu thủ Việt Nam được ông Petrovic khen là có kỹ thuật cá nhân tốt, nhưng lại khá rườm rà về động tác, trong khi điều cần thiết là tư duy chơi bóng lại hạn chế. Điểm này thì đúng. V-League là bức tranh thể hiện rõ nhất điều đó. Bóng đá Việt Nam luôn tự hào sản sinh ra những cầu thủ tài năng, thời nào cũng xuất hiện “cao thủ”, trước có Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Minh Chiến, sau có Mạnh Dũng, Văn Quyến, Quốc Vượng và giờ là thời của những Thành Lương, Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh…

Song, những cá nhân tài năng đó suy cho cùng chỉ như một ngôi sao giữa bầu trời bóng đá mênh mông. Họ chơi bóng giỏi, nhưng những đồng đội xung quanh chưa hay, đội bóng cũng sẽ thất bại. Họ có tư duy hiện đại vì được đào tạo bài bản bởi chuyên gia nước ngoài, nhưng các đồng đội của họ lại chơi bóng theo bản năng, được thầy dạy gì thì nhớ nấy để đem hết vào sân cỏ, nên mới thiếu sự uyển chuyển và nhịp nhàng.

Thành ra, càng ngẫm về lời chê của ông Petrovic lại càng thấy đúng với thực trạng của bóng đá Việt Nam lúc này. V-League bị phàn nàn là có quá nhiều cảnh tượng bạo lực, vấn nạn trọng tài mắc sai sót ngày càng nhiều, không ít lãnh đạo CLB được dịp là “nổ” tung trời… nhưng khi có ai đó chê mình làm chưa khéo, chưa hay, sẽ phản ứng gay gắt, dù sự chê ấy nếu phân tích theo chiều hướng tích cực sẽ có ích cho sự nghiệp làm bóng đá ở Việt Nam.

V-League là hiện thân cho trình độ của bóng đá Việt Nam, nên nếu sân chơi này còn bị chê thì tức là còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa để hoàn thiện mình, thay vì chỉ chờ đợi tặng nhau những lời đường mật. Hãy thận trong vì có thể đấy là kiểu “khen cho nó chết”…

LÊ QUANG

Tin cùng chuyên mục