Mừng và lo!

HẢI NAM

Sau khi V-League hạ màn, giới chuyên môn và người hâm mộ Việt Nam lại tập trung sự chú ý vào các đội tuyển đang tập trung thi đấu các giải châu lục và thế giới. Trong khi đội tuyển Quốc gia đang chuẩn bị cho các trận đấu gặp Iraq, Thái Lan trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2018 thì đội tuyển U.19 Quốc gia cũng vừa hoàn tất vòng loại với ngôi đầu bảng G cùng chiếc vé tham dự VCK giải U.19 châu Á tại Bahrain vào năm sau.

Trước đó, đội tuyển U.16 Việt Nam cũng xuất sắc vượt qua vòng loại, giành quyền tham dự VCK giải U.16 châu Á 2016 tại Ấn Độ với tư cách là 1 trong 4 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất. Vào đầu năm tới, đội tuyển U.23 Việt Nam cũng sẽ tham dự VCK U.23 châu Á tại Qatar…

U.16 Việt Nam cũng đã có mặt tại VCK châu lục. Ảnh: Minh Hoàng

Thành tích của các đội bóng trẻ, đặc biệt việc cả 3 đội tuyển U.23, U.19 và U.16 quốc gia cùng có mặt tại VCK châu lục, càng làm nức lòng người hâm mộ bởi những tín hiệu vui mà các cầu thủ trẻ nước nhà đem lại. Rõ ràng, chất lượng trong công tác đào tạo trẻ của các CLB đang dần được cải thiện. Ngoài các “lò” có truyền thống như SLNA, Nam Định, Đồng Tháp, sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp vào công tác đào tạo bóng đá trẻ theo chủ trương xã hội hóa như PVF, Viettel, NutiFood... càng góp phần nâng cao chất lượng bóng đá trẻ Việt Nam.

Các “lò” đào tạo “nở nồi”, người đầu tiên được hưởng lợi không ai khác chính là các CLB khi họ chủ động được lực lượng, giảm bớt chi phí mua cầu thủ. Bên cạnh đó, bóng đá Việt Nam cũng được hưởng lợi khi chất lượng đầu vào của các đội tuyển, nhất là các đội tuyển trẻ, được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, để biến từng cá nhân đơn lẻ có trình độ thành một tập thể có sức mạnh thật sự lại là vấn đề hoàn toàn không dễ. Nói cách khác, vai trò của VFF, mà cụ thể là Hội đồng HLV Quốc gia và Phòng các đội tuyển cần phải thể hiện rõ hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong việc nâng cao chất lượng của các đội tuyển, xây dựng lối chơi cho các tuyến trẻ để phục vụ cho đội tuyển Quốc gia.

Chẳng nói đâu xa, năm ngoái, đội tuyển U.19 Quốc gia được thành lập trên cơ sở dàn cầu thủ rất có chất lượng của Học viện HAGL Arsenal JMG cùng những nhân tố xuất sắc ở một vài đội bóng khác. Thế nhưng, thành tích của đội tuyển U.19 lại không được như mong đợi mà nguyên nhân chính nằm ở năng lực cầm quân của HLV Graechen. Rõ ràng, vai trò của các bộ phận có liên quan ở VFF quá mờ nhạt, nếu không muốn nói là hoàn toàn không có, trong việc lựa chọn HLV, xây dựng và giám sát lối chơi của đội tuyển U.19.

Bởi vậy, giới chuyên môn và người hâm mộ đang rất hào hứng trước thành công của các đội tuyển trẻ Quốc gia nhưng cùng với đó, là không ít nỗi lo. Chắc hẳn mọi người chưa thể quên Việt Nam từng có đội tuyển U.16 giành hạng Tư khi VCK U.16 châu Á được tổ chức ngay trên sân nhà hồi năm 2000. Thế nhưng dần dà, những tài năng như Văn Quyến, Như Thuật, Lâm Tấn... rơi vào quên lãng trước khi “mất tích”. Liệu các thế hệ bây giờ như Công Phượng, Tuấn Anh hay Thanh Hậu, Tiến Linh, Đức Chinh... có theo dấu các đàn anh, dần biến mất trước cách làm việc theo kiểu thời vụ, tư duy nhiệm kỳ của VFF và các bộ phận chức năng?

HẢI NAM

Tin cùng chuyên mục