Trước khi lọt đến chung kết và lên ngôi ở Crandon Park, nhà ĐKVĐ giải US Open đã từng lọt đến chung kết Citi Open (Washington DC) 2015 trước khi thắng Anastasia Pavlyuchenkova của Nga trong trận đấu cuối cùng này; cô cũng đã lọt đến chung kết ASB Classic (Auckland) 2016 – và thắng Julia Goerges (Đức) ở đây; lọt đến chung kết chung kết Mexican Open tại Acapulco 2016 – thắng Dominika Cibulkova (Slovakia) ở đây; lọt đến chung kết Charleston Open 2016 – thắng Elena Vesnina ở đây; và gần đây nhất là lọt đến chung kết giải Mỹ mở rộng tại New York hồi năm ngoái – thắng đồng hương Madison Keys trong trận đấu cuối cùng.
Cộng thêm danh hiệu tại Miami, Stephens đã lọt đến 4 trận chung kết tại quê nhà và đều giành được chiến thắng. “Tôi cũng không biết nữa. Có lẽ, nước Mỹ, quê nhà luôn là nơi mà tôi cảm thấy thoải mái nhất khi bước ra sân đấu và thi đấu; có lẽ, chỉ đơn giản vì chính đây là quê nhà”, Stephens xúc động tâm sự sau khi giành được danh hiệu lớn thứ 2 trong sự nghiệp, ngôi vô địch của một giải đấu đẳng cấp Premier Mandatory vốn được xem như là “1 trong 2 giải tiểu Grand Slam”.
“Với tôi, đây là một địa điểm rất đặc biệt (Crandon Park – Key Biscayne – Florida). Tôi đã lớn lên tại nơi này, với những cây vợt, những buổi tập, những trải nghiệm qua từng ngày lớn lên. Tôi đã luôn có những kỷ niệm tuyệt vời ở đây, với những thứ mà tôi không thể nào quên… Khi USTA vẫn còn đóng trụ sở ở đây, tôi đã tham gia giải Orange Bowl và nhiều giải đấu trẻ khác nữa. Tôi cực kỳ hạnh phúc khi trở thành người giành được chiến thắng cuối cùng ở Key Biscayne, trước khi giải đấu rời khỏi nơi này. Tôi sẽ nhớ mãi kỷ niệm này. Tôi cảm thấy may mắn khi làm được điều đó ở Nam Florida, với tất cả bạn bè, người thân và gia đình đang chứng kiến”, Stephens hào hứng nói.
Cô đã chơi một giải đấu đầy hứng khởi. Trước khi đến đây, Stephens đang “cõng trên vai” chuỗi thành tích cực kỳ đáng thất vọng, cô chỉ thắng 1/9 trận gần đây. Cô bị xem là nhà ĐKVĐ US Open tệ nhất trong lịch sử, khi vừa đăng quang ngôi vô địch Mỹ mở rộng đã… thua liền 8 trận đấu. Nhưng rồi, cô đã thắng 6 trận liên tục tại Miami Open, trong đó có chiến thắng cuối cùng trước một đối thủ chưa hề để thua 1 ván đấu nào hay 1 loạt tie-break nào, vốn cũng là một nhà ĐKVĐ Grand Slam giống như cô.
Thế nhưng, cô đã 2 lần suýt kết thúc ván đấu đầu tiên sớm hơn một chút, thay vì phải dây dưa đến tận loạt đánh tie-break. Đó là khi cô thắng break-point để cầm giao bóng lúc điểm số lần lượt đang là 5-4 và 6-5. Rất tiếc, cả 2 lần đó, Ostapenko đều tìm ra được cách bẻ lại game giao bóng của cô. Ở loại tie-break cũng vậy, lý ra Stephens sẽ có chiến thắng nhàn nhã hơn khi dễ dàng vượt lên dẫn 6-2. Nhưng phải đến set-point thứ 4, niềm hy vọng số 1 của nước chủ nhà mới tận dụng được ưu thế…
Ván đấu thứ 2 hóa ra lại đơn giản hơn rất nhiều, Stephens – với sự ủng hộ nhiệt tình của đám đông người Mỹ, đã dễ dàng thắng liền 5 game đấu cuối cùng, biến cái điểm số ban đầu 1-1 như chỉ là “tham số để… tham khảo”. Stephens tuy chỉ có 5 cú đánh thắng điểm, nhưng lại hưởng lợi rất nhiều với 48 lỗi đánh bóng hỏng của đối phương. Cô cũng đạt tỷ lệ thắng điểm khi cầm giao bóng 1 là 57%, trong khi đối thủ người Latvia nghiệp. Ngày mai, thứ Hai 2-4, khi mà WTA cập nhật kết quả bảng điểm mới nhất, Stephens sẽ leo lên vị trí thứ 9. Trước đó, thứ hạng cao nhất của cô là hạng 11 thế giới vào ngày 11-10-2013. Nỗi ám ảnh về gánh nặng của danh hiệu US Open, chắc chắn đã được Stephens giũ bỏ hoàn toàn…
Về phần bản thân mình, tuy chưa thể giành được danh hiệu thứ 3 trong sự nghiệp, sau các ngôi vô địch French Open và Korea Open ở mùa giải năm ngoái, nhưng với nụ cười luôn thường trực trên môi, dù là thắng hay là thua, cô gái mới 20 tuổi người Latvia – Jelena Ostaspenko – đã mang dến một nét sáng tươi đáng nhớ của Miami Open 2018.
Ostapenko sẽ còn tiến rất xa, và WTA Tour sẽ hưởng lợi rất nhiều với những cô gái tuổi đôi mươi rực rỡ và tươi tắn đang ngập tràn khắp các sân đấu. Ở Indian Wells cũng là như vậy, với Naomi Osaka (Nhật Bản), Daria Kasatkina (Nga), và ở Key Biscayne cũng vậy, với Ostapenka!