Mang chục cân nặng trên người, xạ thủ thi đấu nỗ lực hết mình

Ít người hiểu rằng về chuyên môn, những xạ thủ của nội dung súng trường hơi là người vất vả nhất bởi họ phải mang trên mình các dụng cụ có cân nặng không nhẹ.

Xạ thủ 10 súng trường hơi nữ Việt Nam thi đấu Đại hội toàn quốc năm nay. Ảnh: MINH CHIẾN
Xạ thủ 10 súng trường hơi nữ Việt Nam thi đấu Đại hội toàn quốc năm nay. Ảnh: MINH CHIẾN

Với đặc thù riêng của súng trường hơi, xạ thủ góp mặt nội dung này phải có sự trang bị đầy đủ từ trang phục thi đấu cho tới dụng cụ (súng) là điều đã quen thuộc với giới chuyên môn của bắn súng.

Khi đi sâu tìm hiểu, nhiều người mới vỡ lẽ, xạ thủ của súng trường dường như có sức khỏe không khác một đô cử của môn cử tạ. Bởi vì, một bộ trang phục của bắn súng trường có trọng lượng khoảng 3kg. Chưa kể, với xạ thủ nữ, khẩu súng có trọng lượng là 6kg còn xạ thủ nam thì súng nặng khoảng 7kg. Nghĩa là ít nhất khi bước ra thi đấu, mỗi người có trên mình khối lượng về thiết bị và trang phục không dưới 10kg.

Chưa kể, khi bước vào bục bắn, mỗi người thường mang cho mình vật dụng quen thuộc ngoài cây súng là chiếc thước mét đo chuẩn. Thước để từng người đo khoảng cách mình đứng giữa 2 chân trong vị trí thi đấu phù hợp hay chưa. “Mỗi người có một khoảng cách riêng để phù hợp cho bản thân và khoảng cách hay còn gọi là độ rộng giữa 2 chân không có quy định cụ thể. Ai thấy quen thuộc thế nào thì cho mình khoảng cách như thế. Khoảng cách để VĐV giữ được trọng tâm tốt nhất không bị thay đổi tư thế khi thi đấu”, một trọng tài của trường bắn 10m súng trường hơi nữ tại Đại hội thể thao toàn quốc chia sẻ.

Khi chúng tôi hỏi về bộ trang phục, các trọng tài đều chia sẻ cân nặng của trang phục là để giúp VĐV có được sự vững tư thế khi thi đấu. Người ngoài nghề sẽ thấy lạ lẫm nếu nhìn các xạ thủ của súng trường trong lúc đã khoác trang phục thi đấu rồi đều di chuyển với các bước đi rất giống như chú rô-bốt. Tuy nhiên, người làm chuyên môn đều lý giải dễ dàng rằng những ống quần của bộ trang phục thi đấu rất cứng nhằm giúp phù hợp cho tư thế khi thi đấu và việc di chuyển bước các bước như rô-bốt hoàn toàn bình thường. Xạ thủ Nguyễn Thị Thảo của Quảng Ninh chia sẻ, việc mặc trang phục nặng là bình thường của môn thi đấu và đó cũng là yếu tố bắt buộc của chuyên môn. Mỗi xạ thủ đều quen thuộc trong bộ trang phục của mình nhiều năm nên hoàn toàn không thấy vướng víu khi thi đấu.

Tuy nhiên, tất cả xạ thủ đều chung một sự kỳ vọng đó là sẽ có được sự trang bị các thiết bị thi đấu (điển hình là súng) hiện đại nhất phù hợp với sự phát triển của môn bắn súng trên thế giới. Dù ai cũng hiểu, tiền mua súng đắt đỏ và không phải đơn vị nào cũng đủ nguồn quỹ để sắm súng mới.

Trước khi vào thi đấu, xạ thủ phải đo rất kĩ lưỡng khoảng cách bước chân của mình ở trước bục bắn để có chỉ số chuẩn bị tốt nhất. Ảnh: MINH CHIẾN

Bài bắn 10m súng trường hơi nữ tại Đại hội thể thao toàn quốc năm nay diễn ra như các giải quốc nội trước đây. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên 8 xạ thủ góp mặt tại lượt chung kết gồm Lê Thị Mộng Tuyền (TPHCM), Nguyễn Thị Thảo (Quảng Ninh), Trần Hoàng Gia Bảo (TPHCM), Phí Thanh Thảo (Quân đội), Nguyễn Huyền Trang (Quân đội), Nguyễn Hà Tuấn Ngọc (TPHCM), ĐỖ Thúy Hiền (Vĩnh Phúc), Phùng Thị Lan Hương (Vĩnh Phúc) thi đấu chương trình Đại hội ở trường bắn điện tử do đây là nơi đã được nâng cấp trang thiết bị phục vụ SEA Games 31 từ tháng 5 năm nay. Khép lại bài bắn, ban tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc năm nay xác định được người xếp nhất hay người không có huy chương nhưng với sự chuẩn bị tốt nhất về cơ sở vật chất hiện tại của trường bắn súng Quốc gia thì mọi xạ thủ đều hài lòng khi thi đấu trong trường bắn này ở quốc nội.

Tin cùng chuyên mục