“Loạn” phân tích

Trên truyền thông Nhật Bản, HLV Miura vừa “chê” bóng đá Việt Nam, trong đó có yếu tố đó là “thiếu khả năng phân tích”. Đại ý, ở bóng đá Việt cứ hay nhìn cái trước mắt chứ ít khi đánh giá dựa trên một quá trình.

Trên truyền thông Nhật Bản, HLV Miura vừa “chê” bóng đá Việt Nam, trong đó có yếu tố đó là “thiếu khả năng phân tích”. Đại ý, ở bóng đá Việt cứ hay nhìn cái trước mắt chứ ít khi đánh giá dựa trên một quá trình.

Ví dụ, khi các CLB hàng đầu Việt Nam thua nặng nề trước các CLB đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc thì chẳng thấy ai nói gì lại yêu cầu đội tuyển quốc gia hoặc U.23  phải có các kết quả tốt khi thi đấu quốc tế dù theo tính lô-gích thì điều đó không thể xảy ra.

Điều ông  Miura nói có thể hơi khó nghe nhưng thực tế thì nó vẫn xảy ra đều đều ở bóng đá Việt Nam. Nói đâu xa, hơn 20 lần đối đầu với Thái Lan, chỉ thắng có vài trận nhưng chúng ta vẫn hay gọi Thái Lan là “kỳ phùng địch thủ”, cứ mỗi khi gặp lại đối thủ thì đa số suy nghĩ đều tin rằng Việt Nam sẽ từ hòa đến thắng.

“Căn bệnh” này còn được thể hiện trong cách đánh giá thành tích ở giải trẻ và bóng đá trưởng thành qua trường hợp cụ thể của HA.GL. Ví dụ như chiến thắng của HA.GL trước U.19 Hàn Quốc tại giải U.21 quốc tế vừa qua được “nâng tầm” rất nhanh, không ai quan tâm đến việc dàn cầu thủ U.19 Hàn Quốc ấy thực ra chỉ là U.18, đến từ các trường trung học, hoàn toàn chưa đá bóng chuyên nghiệp. Nghĩa là trình độ của họ kém hơn các đội tuyển sinh viên Hàn Quốc hay sang Việt Nam thi đấu. Với các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc thì lứa tuổi U thực sự không đặt nặng yếu tố thành tích.

Nếu dựa trên việc phân tích như vậy thì chiến thắng trước U.19 Hàn Quốc tại một giải giao hữu sẽ không có giá trị bằng trận thua của U.22 Việt Nam trước Nhật Bản tại vòng loại U.22 châu Á bởi đây là thành phần tiệm cận với bóng đá chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn cao hơn rất nhiều.

Việt Long 

Tin cùng chuyên mục