V-League, hạng Nhất và Cúp quốc gia được “gắn mác” chuyên nghiệp 20 năm nhưng số CLB chuyên thật sự thì... chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hoặc từng có một vài ông bầu đứng ra hô hào thật lớn, khuấy động sự cuồng nhiệt cho bóng đá Việt, nhưng cũng chỉ cơn gió thoáng qua rồi đâu lại vào đấy. Những ông bầu ấy làm bóng đá với khái niệm có hứng thì chơi còn khi quyền lợi cá nhân bị ảnh hưởng thì quyết định giải tán CLB, và kéo theo hàng chục con người bất ngờ rơi vào cảnh “thất nghiệp”.
Mùa giải chuyên nghiệp 2021 đầy sóng gió được mở đầu bằng thông báo rút lui của Fico Tây Ninh - đội bóng từng được xếp vào hạng “đại gia” ở sân chơi hạng Nhất với lót tay của cầu thủ được “đồn đại” vào khoảng 100-200 triệu đồng/mùa. Và một ngày sau thông báo kết thúc sớm mùa giải 2021, đơn vị chủ quản của Than Quảng Ninh quyết định dừng hoạt trong 1 năm để chờ hoàn tất thủ tục trả đội bóng địa phương cho tỉnh.
Thật ra, V-League vẫn còn nhiều CLB tự chủ được kinh tế, chứ ở Giải hạng Nhất phần lớn các đội bóng phải sống nhờ vào ngân sách nhà nước. Lấy ví dụ Huế FC được cấp 10 tỷ để hoạt động trong một năm, vì thế khi giải đấu tạm dừng lãnh đạo đã cho giải tán đội để cắt giảm tiền ăn. Mỗi một mùa giải ngân sách tỉnh chỉ cấp phép được một con số cụ thể nên nếu giải đấu kéo dài sang năm thì đâu biết sẽ có thêm bao nhiêu đội nối gót Fico Tây Ninh? Mà nên nhớ rằng, trong bối cảnh hiện tại thì ngân sách nhà nước ưu tiên hàng đầu để phòng chống dịch Covid-19. Vì thế, khi mùa giải 2021 kết thúc sớm các đội hạng Nhất... mừng còn hơn buồn.
Khánh Hòa từng rơi vào hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” ở mùa giải 2020 trước khi được một doanh nghiệp “giải cứu”. Vậy nên, trường hợp của Fico Tây Ninh hay Than Quảng Ninh mới đây chỉ “giọt nước tràn ly”.
Dịch Covid-19 trong 2 năm vừa qua đã phơi bày hết sự thật về sức khỏe tài chính của các đội bóng. Muốn tồn tại tạm thời thì các cầu thủ phải chấp nhận giảm sâu tiền lương. Tư duy làm bóng đá của số đông CLB chuyên nghiệp nếu không “ăn xổi” thì vẫn chỉ trông vào ngân sách địa phương hoặc ông bầu, và xa hơn hỗ trợ từ phía VFF hay VPF.
Bóng đá chuyên nghiệp phải “lấy bóng đá nuôi bóng đá”. Bên cạnh những nguồn tài chính kể trên, các đội phải chủ động trong việc tạo nguồn thu. Ví dụ bán áo đấu, bán vé, các sản phẩm khai thác thương mại từ bóng đá, hay phí chuyển nhượng cầu thủ... Còn nếu không làm được như vậy thì cái cảnh dọa bỏ giải, giải tán đội bóng vì tài chính không còn thì vẫn là câu chuyện biết rồi, khổ lắm, nhưng không chịu thay đổi.
Muốn thúc giục CLB thay đổi thì chính VFF, VPF phải mạnh tay hơn trong quyết định của mình. Cuối mỗi năm khi Ban chấp hành VFF tổ chức cuộc họp đánh giá tổng kết mùa giải thì thường xuất hiện 4-5 đội ở V-League không đạt chuẩn chuyên nghiệp. Đi đầu trong số này là SLNA, Hải Phòng, Nam Định - vốn những đội yêu cầu thay đổi ban HĐQT VPF. Nhưng rồi, VFF đành “nương tay” để V-League đủ con số 14 đội. Mà quy định cấp phép CLB chuyên nghiệp có từ năm 2014. Tức trong 8 năm qua, chúng ta đã không tuân thủ cuộc chơi chuyên nghiệp.
Muốn hệ thống bóng đá chuyên nghiệp quốc gia đúng với 2 chữ “chuyên nghiệp”, Ban cấp phép VFF phải siết chặt việc cấp phép CLB chuyên nghiệp. Chỉ có như vậy mới phát triển bền vững không chỉ cho các giải đấu mà còn chính đội bóng. CLB phải hoàn thiện 4 khâu, gồm: Cơ sở vật chất, đào tạo trẻ, nền tảng tài chính và nhân sự. Một khi đảm bảo những quy định kể trên thì các CLB phần nào thoát khỏi cảnh làm bóng đá theo kiểu “sống tạm bợ”, và kéo theo chất lượng đi lên của giải đấu.
Đã từng có những ý kiến về việc V-League hay các giải đấu thấp hơn nên giảm số lượng đội không “chất” để tăng chất lượng giải đấu. Lấy ví dụ về K-League (Hàn Quốc) hay A-League (Australia) có số đội tham dự ít hơn V-League nhưng chất lượng thì luôn nằm trong tốp đầu châu Á. Đó cũng là giải pháp tình thế trong bối cảnh khó khăn tài chính vì dịch Covid-19 không biết nào kết thúc.