Phải nỗ lực tìm nguồn kinh phí
Trong nhiệm kỳ 6 (2018-2023), Liên đoàn bóng bàn Việt Nam chủ yếu tìm được nguồn thu để hoạt động là từ tài trợ trực tiếp từ (làm nguồn cho quỹ thưởng các giải đấu thuộc hệ thống của Liên đoàn). Cùng với đó, Liên đoàn thu phí hàng năm theo quy định đối với các Liên đoàn đoàn trực thuộc. Báo cáo tổng kết công tác hoạt động của Liên đoàn bóng bàn Việt Nam đã ghi cụ thể một số nhược điểm, trong đó đã phân tích rõ rằng: “Liên đoàn bóng bàn Việt Nam còn bị động, lúng túng trong việc định hướng hoạt động xã hội của bóng bàn Việt Nam, chưa xác định rõ được và đề ra định hướng phát triển xã hội hóa bóng bàn trong điều kiện kinh tế thị trường...”. Đồng thời, việc tổ chức triển khai các chiến lược xã hội hóa, xây dựng quy hoạch phát triển bóng bàn còn chậm.
Tại con số tài chính kiểm toán, trung bình trong các năm hoạt động của nhiệm kỳ 6 vừa qua, số tiền thu về chỉ trong khoảng 500 triệu đồng. Đây là con số còn thấp.
Năm 2018-2019, bóng bàn Việt Nam thu 500 triệu đồng, năm 2022 thu 405 triệu đồng, năm 2023 thu 850 triệu đồng. Tính tới 6 tháng đầu năm 2024, Liên đoàn bóng bàn Việt Nam mới có nguồn thu được khoảng 450 triệu đồng.
Thực tế, đại diện ban chấp hành Liên đoàn bóng bàn Việt Nam khóa 6 cho rằng nhiều giải đấu đã được tổ chức, thu hút sự cổ vũ của người hâm mộ. Đáng kể, các đơn vị địa phương tổ chức giải đấu địa phương có được tài trợ. Dù thế, công tác hoạt động của Liên đoàn bóng bàn Việt Nam lại chưa hiệu quả cao nhất.
Đoàn kết là trên hết
Mục tiêu của nhiệm kỳ 7 (2024-2029) hướng tới tiếp tục giành từ 1 tới 2 HCV tại SEA Games 33 năm 2025 và phấn đấu có huy chương tại ASIAD 20. Ngoài ra, bóng bàn Việt Nam hướng tới việc sẽ có tay vợt giành được suất tham dự Olympic vào năm 2028.
Việc xây dựng các chiến lược đầu tư dài hạn cho bóng bàn (cấp độ thể thao thành tích cao, đội tuyển quốc gia) Việc định hướng phát triển của các đội tuyển quốc gia, công tác đào tạo trẻ vẫn còn hạn chế. “Một trong những nhược điểm của Liên đoàn bóng bàn của nhiệm kỳ 6 là thiếu các kế hoạch dài hạn, công tác đào tạo trẻ còn nhiều bất cập”, ý kiến của thành viên ban chấp hành của Đại hội lần này bày tỏ. HLV Nguyễn Tiến Dũng của bóng bàn Quân đội đã đưa tham luận với một số nội dung: “điều cần thiết đó là bóng bàn Việt Nam cần có sự đầu tư để mở ra cơ hội cho VĐV Việt Nam tham dự những giải quốc tế, từ đó VĐV mới có cơ hội cọ xát, tăng cường chuyên môn. Về điều này, nhiệm kỳ đã qua Liên đoàn bóng bàn Việt Nam chưa làm tốt. Tôi tha thiết mong Liên đoàn bóng bàn Việt Nam khóa 7 đoàn kết hơn, cởi mở hơn và tìm thêm những cơ hội xã hội hóa phát triển cho bóng bàn Việt Nam”.
Ban chấp hành Liên đoàn bóng bàn Việt Nam nhiệm kỳ 6 đã kiểm điểm, đưa ra một số khó khăn, tồn tại mà chỉ rõ một trong những vấn đề nằm ở việc nhân sự chuyên trách làm việc tại văn phòng Liên đoàn bóng bàn Việt Nam chưa có, Ban chấp hành hoạt động kiêm nhiệm, còn hạn chế thời gian dành cho hoạt động Liên đoàn cùng sự kết nối giữa thành viên trong Ban chấp hành chưa tốt.
Chủ tịch Nguyễn Xuân Vũ của Liên đoàn bóng bàn Việt Nam cho biết trong nhiệm kỳ 7, thành viên ban chấp hành kỳ vọng có sự tin tưởng cao nhất để từng thành viên làm tốt công tác của mình, qua đó thêm nhiều đơn vị tin tưởng, đồng hành về xã hội hóa với Liên đoàn bóng bàn Việt Nam.
Đại hội đã họp ban chấp hành vào buổi sáng và kéo dài tới đầu giờ chiều ngày 3-8 mới hoàn tất công tác bầu chọn nhân sự. Trong nhiệm kỳ 7, Liên đoàn bóng bàn Việt Nam bầu ban chấp hành mới với 25 ủy viên. Ông Nguyễn Xuân Vũ (Chủ tịch Liên đoàn nhiệm kỳ 6) đã tái trúng cử giữ Chủ tịch Liên đoàn nhiệm kỳ 7. Liên đoàn bóng bàn Việt Nam nhiệm kỳ 7 bầu 4 Phó Chủ tịch gồm các ông Đỗ Đức Hoàng, Trần Cảnh Tuấn, Tống Đức Thuận, Từ Nhân Luân. Tổng thư ký là ông Nguyễn Nam Hải. Đáng chú ý, đại điện của Cục TDTT không có nhân sự bầu chọn trong Ban chấp hành Liên đoàn bóng bàn Việt Nam nhiệm kỳ 7.
Liên đoàn bóng bàn Việt Nam nhiệm kỳ 7 (2024-2029) cho biết sẽ sớm xây dựng nội dung văn bản mang tính pháp quy gồm Quy chế bóng bàn chuyên nghiệp; Quy chế chuyển nhượng VĐV; Tiêu chí tuyển chọn HLV, VĐV.