Không nên quá bất ngờ từ thất bại của các đội U16 và U19 Việt Nam
SGGPO
Trong một thời gian ngắn, bóng đá trẻ Việt Nam đã đón nhận những thất bại liên tiếp của các đội U.16 và U.19 Việt Nam trên đấu trường Đông Nam Á và châu Á. Thậm chí có cả ý kiến đổ lỗi cho các HLV trưởng, yêu cầu phải thay thế. Nhưng theo quan điểm của tôi thì những thất bại trên không có gì phải bất ngờ nếu nhìn rõ nét hơn nhiều vấn đề, từ khách quan cho đến chủ quan.
Hiện nay chúng ta đang có 14 đội chuyên nghiệp và 10 đội hạng Nhất, nhưng thử rà xem có bao nhiêu đội là hoàn thiện đủ các tuyến đào tạo trẻ? Một thống kê mới đây cho thấy chỉ có 5 đội đủ chuẩn chuyên nghiệp, nghĩa là có đầy đủ các tuyến trẻ theo như chuẩn của chuyên nghiệp. Điều đó cho thấy chúng ta không có nhiều sự lựa chọn để tuyển quân tốt đâu.
Còn ở những đội đào tạo trẻ thì mỗi nơi làm một kiểu, không có sự đồng nhất. Như HA.GL thì làm theo mô hình của JMG, còn Viettel, Hà Nội và PVF thì làm theo hướng riêng. Vì thế mà những sản phẩm mà các đội tuyển U thu nhận thiếu sự ổn định về chất lượng. Đó cũng là một phần lý giải nguyên nhân vì sao lứa U.19 cách đây 4 năm do HA.GL làm nòng cốt đã tạo nên cơn “sốt”. Nhưng 2 năm sau, thế hệ của Quang Hải, Tiến Dũng, Đức Chinh… lại chơi tốt hơn. Còn hiện tại thì như đã biết, thất bại “kép” từ sân chơi Đông Nam Á đến châu Á.
U19 Việt Nam sớm trở thành khán giả ở sân chơi châu Á 2018
Đi sâu hơn vào các lò đào tạo thì chúng ta có thể thấy sự hạn chế của từng nơi. Ví dự như ở HA.GL đã có những cầu thủ đá đẹp, kỹ thuật nhưng lại yếu về thể lực; Hà Nội thì có kỹ thuật nhưng lại không đạt về thể hình. Thế nên, rất cần có một quy trình chung ở các lứa tuổi để từ đó các đội vận hành thì thuận lợi hơn nhiều.
Bên cạnh những vấn đề đang lộ ra ở khâu đào tạo từ các nơi, một phần làm cho bộ khung của các đội tuyển trẻ không có được sự ổn định qua từng giai đoạn thì chính các đối thủ của chúng ta đã bắt đầu dè dặt khi đối đầu. Hãy xem qua các giải trẻ gần đây, thậm chí tại Asiad 2018, các đội tuyển của chúng ta bắt đầu khó khăn khi các đối thủ họ thận trọng hơn khi gặp Việt Nam, không còn sự chủ quan như trước.
Trước đó, đội U16 Việt Nam cũng thất bại kép ở giải Đông Nam Á và châu Á
Từ những vấn đề trên mà tôi cho rằng khoan vội đổ lỗi cho những người thầy trong các thất bại trên mà chính chúng ta cần rà soát, cân lại hệ thống đào tạo và cần có sự vững bền. Như Thái Lan hay Indonesia, bóng đá trẻ của họ bị khựng lại trong thời gian qua, nhưng đó chỉ là những khủng hoảng nhất thời và sau khi lấy lại thăng bằng, họ đã mạnh mẽ trở lại. Sở dĩ làm được điều đó bởi các nước trên đã có sự vững vàng ở hệ thống nên những chỉnh sửa sẽ hoàn thiện rất nhanh.