Khiếu nại lên Thanh tra Chính phủ - VPF đi quá xa?

Ngày 17-2, đúng như tuyên bố trước đó, VPF đã gởi công văn khiếu nại lên Bộ VH-TT-DL cũng như Thanh tra Chính phủ về kết luận thanh tra bản quyền truyền hình vừa công bố.

Theo đó, VPF cho rằng VFF không thể là chủ sở hữu duy nhất của các quyền thương mại. Công văn viện dẫn rất chi tiết từ Điều lệ của Liên đoàn Bóng đá VN; Luật Thể dục thể thao; Luật Dân sự; Quy chế bóng đá chuyên nghiệp; VPF tái khẳng định VFF không có toàn quyền quyết định việc chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam như nội dung kết luận của Thanh tra bộ.

Ngoài ra, VPF cũng cho rằng khi ký hợp đồng với AVG, VFF không thông báo công khai đến Đài Truyền hình quốc gia Việt Nam (VTV) và các đài truyền hình khác, từ đó làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các CLB.

VPF thừa nhận mặc dù trong pháp luật hiện hành chưa có quy định nào hạn chế thời hạn hợp đồng, song việc chỉ thu được 6 tỷ đồng một năm trong suốt 20 năm sẽ gây thiệt hại rất lớn cho bóng đá nước nhà. Tuy nhiên, VPF có vẻ đã đi quá xa khi đề cập đến việc VFF bán thương quyền của đội tuyển quốc gia cho AVG.

Trên lý thuyết, VPF có quyền kiến nghị về một vấn đề không liên quan gì đến mình (ở đây là cấp độ đội tuyển). Thế nhưng, VPF lại cáo buộc VFF đã “vi phạm các quy định của pháp luật” và theo ý kiến của một số chuyên gia, việc đưa vấn đề này vào công văn chỉ gây thêm bất lợi cho VPF khi thể hiện sự “lạm quyền” nhất định.

VPF từng đưa ra lý do hợp đồng ký 20 năm và số tiền 6 tỷ/năm là có hại cho bóng đá Việt Nam. Điều này không sai, nhưng cũng chưa đúng, ít nhất là ở thời điểm ký hợp đồng và hiện tại. Những con số mà AVG đưa ra cho thấy mật độ phủ sóng truyền hình tốt hơn trước rất nhiều, trên rất nhiều đài truyền hình từ trung ương đến địa phương. Đây lại là điều mà VPF cố tránh nói đến.

Mặt khác, công bằng mà nói AVG cũng chưa thu lợi gì trong thời gian ngắn vừa qua. Nếu tính số tiền họ đã và sẽ bỏ ra trong vài ba năm, cộng với các cam kết quyền lợi khác cho VFF thì vẫn chưa thấy AVG sai trái gì đến mức bị nhìn nhận như một kẻ trục lợi từ hợp đồng đó mặc dù họ là đơn vị kinh doanh.

Kết luận thanh tra cho thấy hợp đồng có nhiều điểm chưa hợp lý, nhưng như thế thì VFF và AVG chỉ cần điều chỉnh lại. Ví dụ như thời hạn 20 năm hay quyền hạn, trách nhiệm của mỗi bên. Trong trường hợp này, VPF cũng không thể làm khó được nếu như họ không chứng minh được động cơ thiếu trong sáng của bản hợp đồng đó.

Thế nên, người ta mới thắc mắc: VPF khơi mào cuộc chiến truyền hình vì cái gì? Đến nay thì AVG vẫn “vô can”, vậy VFF chính là mục tiêu tranh đấu của VPF hay sao? Nếu là như thế, việc bắt tay, hợp tác cùng phát triển bóng đá Việt Nam chắc còn lâu mới thành. 

VIỆT QUANG

- Thông tin liên quan:

>> Kết quả thanh tra bản quyền truyền hình: VFF - AVG đúng luật

Tin cùng chuyên mục