Khi V-League... không giống ai

V-League còn 7 vòng đấu nữa là kết thúc nhưng số trận đấu đáng xem lại không còn nhiều nếu không nói là V-League 2015 có nguy cơ hạ màn rất sớm.

1. V-League còn 7 vòng đấu nữa là kết thúc nhưng số trận đấu đáng xem lại không còn nhiều nếu không nói là V-League 2015 có nguy cơ hạ màn rất sớm.

Suất xuống hạng chỉ còn là cuộc đua của 2 đội HA.GL và Đồng Nai (phải).

Như chúng tôi đã từng đề cập, dựa trên những con số thống kê thì hiện nay, chức vô địch chỉ còn là cuộc đua tranh giữa B.Bình Dương và Thanh Hóa khi các đội còn lại rất khó đạt ngưỡng 15 trận thắng để có thể vô địch (nghĩa là phải toàn thắng đủ 7 trận còn lại). Phía cuối bảng xếp hạng cũng thế, chỉ còn 3 đội có nguy cơ mà thôi (Cần Thơ, HA.GL, Đồng Nai) do các đội phía trên đã đạt ngưỡng 20 điểm.

Vì sao lại dễ đưa ra kết luận đó? Nguyên nhân đến từ cái “tỷ lệ chọi” quá nhỏ của V-League. Chức vô địch thì ở đâu cũng vậy, chỉ dành cho 1 đội duy nhất. Nhưng nếu tại các quốc gia tiên tiến, vị trí trong tốp 3, tốp 4 đem lại khá nhiều lợi ích thì ở Việt Nam, đứng hạng Nhì chẳng khác nào hạng 10, sự khác biệt không lớn. Ví dụ như 2 năm trước, HA.GL lần đầu tiên lọt vào tốp 3 sau 6 mùa giải nhưng năm ngoái, họ rơi xuống hạng 9 thay vì tiến lên hạng Nhì hay vô địch. Do chỉ có chức vô địch là ý nghĩa nên đến thời điểm này, sau khi biết cơ hội của mình không còn, liệu các CLB xếp sau B.Bình Dương, Thanh Hóa phấn đấu vì cái gì?

2. Ở tốp đầu mà đã như vậy, tốp cuối còn dễ chán hơn khi chỉ có 1 suất rớt hạng. Tỷ lệ 1/14 của V-League là vô cùng bất hợp lý vì nó chiếm chưa đến 10% theo tiêu chuẩn chung của bóng đá thế giới. “Tỷ lệ chọi” này quá thấp khiến cuộc đua trụ hạng có thể kết thúc sớm khi một đội nào đó bị “nhận diện”. Theo thống kê, những mùa giải có hơn 1 đội xuống hạng thì số điểm an toàn luôn phải từ 27-31 điểm, có mùa cá biệt đến 34 điểm mới trụ hạng thành công. Nhưng những mùa chỉ có 1 suất thì chỉ cần 20 điểm là đủ bởi đội chót bảng thường chỉ đạt 13-15 điểm là cùng do tâm lý buông xuôi ở các võng đấu cuối. Lẽ ra, tối thiểu cũng phải là 1,5 suất xuống hạng để số trận đấu có ý nghĩa cuối mùa còn tăng lên. Đây là cái dở của những nhà tổ chức mặc dù để làm cho nó tốt hơn không hề khó.

Theo diễn biến của V-League hiện nay, số lượng 14 đội là quá nhiều, con số hợp lý nên từ 10-12 đội.  Lấy ví dụ như B.Bình Dương, năm 2007 họ vô địch lần đầu tiên với 16 trận thắng, chỉ thua có 3 trận và hơn 11 điểm so với đội đứng Nhì. Đó là những khoảng cách lớn nhất trong lịch sử V-League. Ấy vậy mà năm nay, dù đã thua đến 5 trận và có một phong độ khá tệ nhưng nhiều khả năng B.Bình Dương vẫn đạt đến con số 16 trận thắng khi hiện họ đã có 12 trận trước 7 vòng còn lại. Năm ngoái, giải chỉ có 12 đội (22 vòng đấu) nhưng B.Bình Dương cần đến 15 trận thắng mới vô địch khi chỉ hơn HN T&T 2 điểm. Như vậy là sự chênh lệch giữa các đội ngày càng lớn nên một đội mạnh chơi không tốt vẫn có thể vượt xa các đội khác.


Hồ Việt

Tin cùng chuyên mục