Khi tay phải đỡ tay trái

Cũng như các trọng tài quốc tế, nghề trọng tài bóng đá ở Việt Nam cũng chỉ là nghề tay trái. Các vua áo đen đến với sân cỏ chủ yếu vì đam mê, thu nhập chỉ là chuyện phụ.
Khi tay phải đỡ tay trái

Cũng như các trọng tài quốc tế, nghề trọng tài bóng đá ở Việt Nam cũng chỉ là nghề tay trái. Các vua áo đen đến với sân cỏ chủ yếu vì đam mê, thu nhập chỉ là chuyện phụ.

Chưa có một thống kê rõ ràng nhưng qua tìm hiểu có thể thấy hầu hết trọng tài đều là cán bộ thể thao ở các địa phương, số còn lại là giáo viên thể chất ở các trường trung học và đại học. Một công thức chung của lực lượng này là từ đam mê, họ tham gia các khóa đào tạo trọng tài của VFF để làm nghề. Đến tuổi nghỉ theo quy định của FIFA, đa phần chuyển sang làm giám sát trọng tài.

Cựu còi vàng Dương Văn Hiền.

Cựu còi vàng Dương Văn Hiền.

Cựu còi Vàng Dương Văn Hiền hiện vẫn đang là giảng viên Trường ĐH KHXH-NV TPHCM với cương vị Phó Chủ nhiệm bộ môn Thể chất. Ông cũng là người hiếm hoi trong giới trọng tài Việt Nam có trình độ thạc sĩ. Sau mỗi trận đấu, nhiều phóng viên thể thao đến “em chào thầy”. Những trường hợp như ông Hiền không hiếm, có thể kể đến trọng tài Ngô Quốc Hưng (giảng viên ĐHDL Hải Phòng), Võ Minh Trí (Trường THPT Thanh Đa - TPHCM), Hoàng Anh Tuấn, tức Tuấn “Thanh Trì” (cán bộ Phòng giáo dục Đào tạo huyện Thanh Trì – Hà Nội)…

Nhiều trọng tài/thầy giáo nói thẳng, làm trọng tài vì đam mê, chứ thu nhập không đủ giúp gia đình, vì vậy hầu hết đều cố gắng làm thêm trong khi vẫn phải chu toàn bổn phận của “tay phải”. Ngoài công việc của một trọng tài và sau này là giám sát, sẵn vườn nhà rộng, ông Hiền còn kinh doanh cho thuê sân bóng đá và mở thêm vài phòng karaoke tại xã Phước Vĩnh An (Củ Chi). “Làm trọng tài vì đam mê chứ thu nhập cũng không dư dả gì nên phải làm thêm. Mọi việc kinh doanh, đưa đón con cái trông vào bà xã quán xuyến chứ tôi đi suốt”, ông Hiền cho biết.

Với những người xuất thân nghề giáo như thầy Hiền, thầy Hưng… nghề giáo cao quý nhưng khi khoác lên mình áo trọng tài, đó cũng là một thứ áp lực. Ông Hiền tâm sự: “Làm gì cũng phải nghĩ đến cái danh dự và phẩm chất nghề giáo. Mình mà làm bậy thì sao dám đứng dạy sinh viên. Được cái mình dù có ra sao các em vẫn coi mình là thầy, ra đường còn chào thầy một tiếng. Vui buồn có hết nhưng tôi vẫn yêu nghề trọng tài như nghề giáo”. Bức xúc vậy nên ông Hiền cám cảnh làm bài thơ có hai câu mở đầu rất chi tâm trạng: “Trước trận trọng tài là “Vua”/ Sau trận đội thua gọi “Vua” là… thằng”.

Số trọng tài là cán bộ tại các trung tâm thể thao cơ sở hoặc cựu cầu thủ chiếm một phần lớn tại Việt Nam. Với chức năng và nhiệm vụ, phần lớn được tạo điều kiện để vừa công tác vừa tham gia điều hành giải khi có yêu cầu. Trước khi “hưu non” để đảm nhiệm cương vị Phó Giám đốc TT TDTT Thống Nhất, ông Hoàng Ngọc Tuấn là một trọng tài cứng cựa và có năng lực.

Cũng “áo mão quan viên” như ông Tuấn, trọng tài Nguyễn Văn Tuyển hiện là Phó Giám đốc TT TDTT Lâm Đồng. Nguyên chủ tịch HĐTT, Giám sát Nguyễn Ngọc Vinh từng là cầu thủ và hiện đang là cán bộ của Sở VH-TT-DL Lâm Đồng. Con trai ông Vinh là Nguyễn Vũ Hải Phi sau khi tốt nghiệp ĐH TDTT II trở thành cán bộ TT TDTT quận Tân Phú và cũng theo nghiệp cha, hiện đang bắt giải hạng nhất. Trọng tài Nguyễn Đức Vũ cũng đang là cán bộ của Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi.

Cũng có những trường hợp thuộc hàng “độc nhất vô nhị” trong giới trọng tài khi nghề chính chẳng phải giáo viên cũng chẳng có cơ làm cán bộ. Ít ai biết trọng tài Nguyễn Ngọc Châu (Bình Dương) còn kiêm nghề trọng tài… võ thuật cấp tỉnh. Ông Châu còn kiêm luôn công việc thầu giặt đồ cho 2 đội bóng Becamex Bình Dương và TDC Bình Dương. Thế nên có lần vì giận ông Châu, nhóm khán giả ở sân Thống Nhất đã hô vang: “Ông kia về giặt đồ chứ thổi còi làm gì?”. Không rõ lúc ấy tâm trạng ông Châu ra sao?

Nghề chính của trọng tài Trương Trần Quang Tuấn (Lâm Đồng) là một… thợ đóng giày có hạng tại Đà Lạt. Ông Tuấn có hẳn một cửa tiệm riêng khá đông khách. Nhưng vì đam mê, ông Tuấn xin theo học lớp trọng tài và sau một thời gian, ông đi từ các giải phong trào lên hạng nhất. Khoan bàn đến những sai sót, “tai nạn” hay sự công tâm của tiếng còi, những trường hợp như ông Tuấn cho thấy rằng khi niềm đam mê vượt hơn cả những lo toan cơm áo hằng ngày, người ta có đủ nghị lực và tự tin để thành công. 

ANH KHOA

Tin cùng chuyên mục