Trong thời điểm chiến thắng của Thanh Vũ, còn có một sự kiện khác, đó là ván thắng duy nhất của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam trong trận bán kết Cúp bóng chuyền châu Á trước Nhật Bản. Đó là ván thứ 3, thời điểm rất dễ buông xuôi sau khi đã để thua 2 ván đầu trước một đối thủ rất mạnh. Nhưng các cô gái của chúng ta đã từ chỗ thu hẹp khoảng cách 7 điểm đến cuộc rượt đuổi điểm số và giành được chiến thắng trong ván này.
Chung cuộc, thầy trò HLV Nguyễn Tuấn Kiệt vẫn thua, nhưng chính ván thắng ấy đã cho thấy thể thao Việt Nam luôn có thể tạo ra những bất ngờ nếu khai phá được hết tiềm năng về ý chí, tinh thần.
Có thể lấy những chiến tích lớn như HCB Olympic môn cử tạ của VĐV Hoàng Anh Tuấn (năm 2008), HCV Olympic môn bắn súng của VĐV Hoàng Xuân Vinh (năm 2016), ngôi á quân châu Á của đội tuyển U23 Việt Nam (năm 2018) để thấy mối liên quan với yếu tố tinh thần.
Ví dụ như ở môn bóng đá. Trong khi các quốc gia Đông Nam Á theo đuổi trào lưu nhập tịch cầu thủ để cải thiện thành tích, thì Việt Nam vẫn kiên trì tập trung cho nguồn lực trong nước. Trên thực tế, chúng ta đang có 2 cầu thủ nam và nữ thi đấu chuyên nghiệp tại châu Âu, các đội tuyển quốc gia vẫn đang có những bước tiến lớn ở đấu trường quốc tế dù chưa dùng đến các nguồn ngoại lực.
Có thể nói, con người Việt Nam có đủ những năng lực để tranh đua sòng phẳng với bạn bè thế giới dù có những thua thiệt thấy rõ về thể hình, thể lực. Tuy nhiên, cần phải chú trọng khai phá nhiều hơn điểm mạnh về tinh thần.
Cũng từ chuyện bóng đá, khi mà các đội tuyển quốc gia chưa từng có những chuyên gia tâm lý thực thụ nào từ trước đến nay. Những HLV nước ngoài thành công nhất với bóng đá Việt Nam, thường là người giỏi về tâm lý như Alfred Riedl, Calisto và Park Hang-seo. Ở bóng đá nữ, không phải tự nhiên mà HLV Mai Đức Chung là người thành công nhất, gắn bó lâu nhất. Họ điều biết cách khai thác được sức mạnh tinh thần ở cầu thủ, điều mà lẽ ra nên cần có những chuyên gia thực thụ “ăn lương” dài hạn để hỗ trợ cho các HLV trưởng.
Khi các VĐV Việt Nam xuất ngoại, thất bại chủ yếu đến từ cái mà chúng ta gọi là “sốc văn hóa”. Thực tế, đó là khía cạnh tâm lý, tinh thần. Trong tự truyện của mình, tiền đạo Lê Công Vinh từng mô tả, điều đáng sợ nhất khi ra nước ngoài thi đấu không phải là ngồi dự bị mà là khi ở một mình nơi xa lạ. Ở chiều ngược lại, một VĐV chơi môn thể thao “cô độc đến tận cùng” như Thanh Vũ vẫn thành công thì chắc chắn cô đã chiến thắng bản thân mình trước khi bước vào thi đấu. Nói cách khác, nếu chúng ta có cách giúp VĐV ở các khía cạnh về tinh thần, tâm lý thì cơ hội chiến thắng sẽ còn tăng lên đáng kể.