Người ta đã chứng kiến 89 bàn thắng tại AFCON năm nay. Con số đó gần như bằng toàn bộ giải 2021 (100 bàn) và 2019 (102). Trên thực tế, với tỷ lệ bàn thắng mỗi trận hiện tại là 2,47, đây là giải đấu có số bàn thắng trung bình cao nhất trong 15 năm, kể từ lễ hội bàn thắng năm 2008. Chỉ có 4 giải đấu trong lịch sử AFCON (bao gồm phiên bản 16 đội) đã chứng kiến nhiều bàn thắng được ghi mỗi trận hơn. Nếu không có ngày khô hạn bàn thắng cuối cùng, thì tỷ lệ trung bình sẽ là 2,75 bàn mỗi trận – nhiều thứ ba trong lịch sử.
Một điều đáng chú ý trong giải đấu là các đội không còn cầm bóng lâu, thứ “đặc sản” của bóng châu Phi vốn đã khiến cho nền bóng đá châu lục này không tiến xa ở các kỳ World Cup. Theo thống kê ở vòng bảng, có không đến 12 trận mà các đội bóng thực hiện nhiều hơn 10 đường chuyền cho một đợt tấn công. Con số này ít hơn một nửa so với Euro 2021, thấp hơn cả Copa América 2021 và World Cup 2022. Các cầu thủ châu Phi có thói quen xấu là chơi cá nhân, không có kỹ năng phối hợp nhóm tốt, nên cứ có bóng là tự mình hành động. Nhưng dù sao, so với các giải trước thì AFCON 2023 chứng kiến sự gia tăng đáng kể về số lượng đường chuyền trong một chuỗi phối hợp, tăng 31% với trung bình 15,2 đường chuyền.
Hồi AFCON 2021, chỉ có ba bàn thắng đến từ những pha phối hợp 10 đường chuyền trở lên. Còn tại vòng bảng 2023, con số này là 7 bàn thắng. Điều đó cho thấy chất lượng kỹ thuật của các cầu thủ tham gia giải đấu năm nay đã được nâng cao. Nói cách khác, đó là tư duy chơi bóng của cầu thủ châu Phi đã tốt hơn. AFCON 2023 cũng là giải đấu đầu tiên trong lịch sử có trung bình hơn 600 đường chuyền thành công mỗi trận và giải đấu đầu tiên có độ chính xác chuyền bóng vượt quá 80%.
Một điều tiến bộ khác, đó là những bàn thắng muộn theo phong cách châu Âu. Trận đấu cuối cùng ở bảng B đã gói gọn sự điên cuồng của vòng bảng. Với việc Ghana dẫn trước Mozambique 2-0, Ai Cập biết rằng họ cần phải đánh bại Cape Verde để vượt qua vòng loại. Đến phút 93, Ai Cập có bàn dẫn 2-1, nhưng niềm phấn khích đó lại chuyển sang nỗi kinh hoàng khi Cape Verde gỡ hòa ở phút 99. Thời điểm đó Ai Cập đã bị loại, nhưng ở sân bên kia, Ghana đánh mất lợi thế bằng cách để thủng lưới 2 bàn ở phút bù giờ trước Mozambique. Thế là Ghana bị loại cùng Mozambique, còn Ai Cập giành vị trí nhì bảng.
Đêm điên rồ đó ở bảng B đã mang lại cho chúng ta 4 bàn thắng sau phút 90 từ 2 trận đấu. Đó là 4 trong số 13 bàn thắng ở phút bù giờ chỉ riêng ở vòng bảng AFCON năm nay, một con số nhiều gấp đôi so với mọi giải đấu kể từ năm 2010.
AFCON 2023 còn có 3 câu chuyện đáng chú ý. Đầu tiên là sự trỗi dậy của Guinea Xích đạo, đội đã khiến mọi người choáng váng khi đứng đầu bảng A, xếp trên cả chủ nhà Bờ Biển Ngà và gã khổng lồ Nigeria. Đoàn quân của HLV Juan Micha có được phần lớn thành công nhờ Emilio Nsue, một cầu thủ 34 tuổi đang chơi tại giải hạng 3 Tây Ban Nha và hiện đứng đầu danh sách Vua phá lưới với 5 lần lập công. Guinea Xích đạo hiện đã lọt vào vòng loại trực tiếp ở cả 4 lần tham dự Cúp các quốc gia châu Phi (2012, 2015, 2021 và 2023) của họ. Kể từ khi AFCON có đá vòng bảng (từ 1963), họ là quốc gia duy nhất tham dự nhiều hơn một AFCON và luôn lọt vào vòng loại trực tiếp.
Câu chuyện hấp dẫn thứ hai đang diễn ra là về Mauritania, đội làm nên lịch sử khi giành chiến thắng đầu tiên tại AFCON trước Algeria, khiến Riyad Mahrez và đồng đội xếp cuối bảng D. Mauritania đã không thắng trận nào trong 8 trận họ từng chơi trong lịch sử AFCON, tuy nhiên với chiến thắng đầu tiên, họ lại vào vòng loại trực tiếp lần đầu tiên sau 3 lần tham dự. Đối thủ của họ là Cape Verde.
Câu chuyện cổ tích thứ ba của AFCON 2023 liên quan đến Namibia, đội cũng đã giành được chiến thắng đầu tiên trong giải đấu khi đánh bại Tunisia 1-0 trong trận mở màn vòng bảng, đây là trận thứ 10 của họ tại giải đấu. Mặc dù đây là bàn thắng duy nhất họ ghi được ở bảng E, nhưng đội bóng của HLV Collin Benjamin đã lần đầu tiên trong lịch sử lọt vào vòng knock-out với tư cách là một trong những đội đứng thứ ba có thành tích tốt nhất.