Chiều 16-2, Bộ VH-TT-DL đã tổ chức họp báo hàng năm và công bố kết quả thanh tra bản quyền truyền hình giữa Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Tập đoàn An Viên (AVG). Thanh tra Bộ VH-TT-DL khẳng định việc ký kết hợp đồng giữa VFF và AVG được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, được pháp luật thừa nhận.
Ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL công bố kết luận thanh tra với 7 vấn đề: Thứ nhất, về quyền của VFF đối với thương quyền các giải bóng đá do VFF tổ chức. Căn cứ vào các quy định pháp luật bao gồm Khoản 2, Điều 53 Luật Thể dục, thể thao; Khoản 1, Điều 12 Nghị định 112/2007/NĐ-CP ngày 26-6-2007 của Chính phủ và Khoản 14, Điều 4 của Điều lệ VFF thì VFF có quyền sở hữu các giải bóng đá do VFF tổ chức.
Thứ hai, về thẩm quyền ký kết hợp đồng của VFF. Điều lệ của VFF đã được các thành viên, trong đó có các CLB thông qua, được xây dựng theo hướng dẫn của FIFA, được Bộ Nội vụ Việt Nam phê duyệt ngày 19-3-2010. Điều lệ này có giá trị như một thỏa thuận giữa VFF và các thành viên, được FIFA và pháp luật Việt Nam bảo hộ. Khi gia nhập VFF, các CLB đã hoàn toàn thừa nhận tôn chỉ mục đích, Điều lệ, tự nguyện chấp hành nghiêm chỉnh các điều lệ, các nghị quyết, chủ trương, quy định của ban chấp hành. Theo những quy định trên, VFF có đủ thẩm quyền trong việc chuyển nhượng quyền sở hữu đối với các giải bóng đá thuộc VFF cho An Viên.
Thứ ba, về việc thực hiện các thủ tục ký kết hợp đồng, thanh tra bộ cũng khẳng định VFF đã thực hiện đầy đủ các thủ tục theo đúng các quy định của pháp luật và các quy định của tổ chức này khi ký kết hợp đồng với An Viên.
Thứ tư, việc ký kết hợp đồng giữa VFF và An Viên không trái Luật Đấu thầu. Vì đối tượng chuyển nhượng của hợp đồng là thương quyền các giải bóng đá do VFF tổ chức, trong đó có thương quyền của các đội tuyển quốc gia, nhưng theo quy định của Điều 1, Luật Đấu thầu thì chỉ khi lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, mua sắm hàng hóa xây lắp đối với gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn của nhà nước để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của VFF mới thuộc phạm vi điều chỉnh Luật Đấu thầu.
Thứ năm, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của An Viên được Sở KH-ĐT Khánh Hòa cấp ngày 7-12-2010 có nội dung thứ 03 (mã ngành 74909). Theo các quy định của pháp luật, nội dung mã ngành 74909 trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của An Viên được Sở KH-ĐT Khánh Hòa cấp là không trái với các quy định về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Thứ sáu, về giấy phép hoạt động truyền hình của An Viên, thanh tra bộ cũng làm rõ quy định pháp luật về báo chí không giới hạn chỉ có các cơ quan có giấy phép hoạt động báo chí mới được phép mua, bán, chuyển nhượng bản quyền các chương trình truyền hình, bao gồm cả các chương trình thể thao. Như vậy, việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá thuộc VFF giai đoạn 2011-2030 với An Viên không phụ thuộc vào giấy phép hoạt động truyền hình.
Thứ bảy, về thời hạn hợp đồng: Từ khi hợp đồng được thực hiện, thời lượng phát sóng trực tiếp các trận bóng đá năm 2011 tăng hơn 200% so với năm 2010, từ 148 trận năm 2010 lên 345 trận năm 2011, trong đó có cả các kênh truyền hình quảng bá. Như vậy, người hâm mộ đang có lợi, vì có nhiều sự lựa chọn xem truyền hình trực tiếp các trận thi đấu bóng đá trong nước, trên kênh truyền hình quảng bá hoặc kênh truyền hình có thu tiền. Các quy định của pháp luật của Việt Nam về dân sự, thương mại, chưa thấy có quy định nào giới hạn về thời hạn của hợp đồng. Do đó, căn cứ vào nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng thì thỏa thuận thời hạn 20 năm về chuyển nhượng thương quyền bóng đá giữa VFF và An Viên là không trái pháp luật.
Thanh tra bộ cũng công bố kết quả về một số nội dung khác của hợp đồng như quy định việc tính phí theo kết quả kinh doanh, các thỏa thuận về quyền tương lai mà VFF có được một phần hoặc toàn bộ quyền sở hữu của các giải bóng đá khác, hướng giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng…
Từ những căn cứ nêu trên, Chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL cho rằng, việc ký kết hợp đồng giữa VFF và An Viên được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, được pháp luật thừa nhận. Tuy nhiên có một số nội dung chưa phù hợp (phần nội dung khác của hợp đồng nêu trên) nhưng những nội dung này không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại của hợp đồng.
Vĩnh Xuân
VPF sẽ kiến nghị đến cùng
Cùng ngày, tại khách sạn Hilton – Hà Nội, đại diện Công ty VPF (gồm Chủ tịch HĐQT Võ Quốc Thắng, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên và Tổng giám đốc Phạm Ngọc Viễn) đã có cuộc gặp gỡ trao đổi với báo chí. Bầu Kiên tiếp tục thể hiện quan điểm cứng rắn của mình: “Chúng tôi không hài lòng và cho rằng kết luận có những điểm cần xem lại”.
Ông Kiên đã viện dẫn nhiều điều khoản của Điều lệ VFF, Luật Thể dục thể thao, Luật Dân sự… để chứng minh VFF không phải là chủ sở hữu duy nhất của các giải đấu và những vấn đề đặt ra xung quanh chuyện VFF đã bán thương quyền cả các giải đấu ngoài giải bóng đá chuyên nghiệp cho đối tác.
Theo ông Kiên, hôm nay HĐQT của VPF sẽ họp và đưa ra kiến nghị bằng văn bản báo cáo Thủ tướng. Trước ý kiến cho rằng có phải VPF đang chống đối cơ quan quản lý, bầu Kiên nói: “Chúng tôi khẳng định VPF tuyệt đối tuân thủ các chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước, nhưng chúng tôi sẽ kiến nghị bởi chưa cảm thấy thỏa đáng”.
Trong khi đó, theo lý giải của bầu Thắng, VPF phải làm đến cùng, vì: “Việc bán thương quyền của giải là quá rộng, và hợp đồng có thời hạn quá dài sẽ ảnh hưởng không tốt đến các đội bóng. Việc bán thương quyền giải đấu có thể ảnh hưởng đến cả việc tác nghiệp của báo chí tại giải đấu”.
Bầu Kiên cho biết ông đã nhận được một lời đề nghị gặp gỡ để thảo luận từ phía AVG và đến ngày 20-2 tới VPF và AVG sẽ ngồi lại với nhau để bàn thảo. VPF tiếp tục nghiên cứu các điều luận của FIFA về bản quyền truyền hình liên quan đến quyền đồng sở hữu của các CLB thành viên của liên đoàn bóng đá quốc gia và mong muốn vụ này không phải đưa ra Tòa án thể thao quốc tế.
Đ.Linh