Giải đơn nam Indian Wells bắt đầu khởi tranh từ năm 1974. Từ đó trở đi, giải đấu nhanh chóng vươn tầm trở thành một sự kiện tối quan trọng thuộc hệ thống Super Series, Masters Series, và sau này chính là Masters 1.000.
Trong hệ thống Masters 1.000 ngày nay, Indian Wells - cùng với Miami Masters, được xem là 2 giải đấu Grand Slam thu nhỏ, đây là 2 giải đấu Masters 1.000 triển khai từ vòng đấu 128 tay vợt, và cũng là những giải Masters 1.000 khai mùa.
Tuy vậy, Indian Wells giống như “cấm địa” của người Anh. Suốt nhiều năm, số lượng các tay vợt Anh tiến sát ngôi vô địch đếm trên đầu ngón tay: Greg Rusedski trong năm 1998 (thua Marcelo Rios), Tim Henman trong các năm 2002 và 2004 (lần lượt thua Lleyton Hewitt và Roger Federer), gần đây nhất là Murray hồi năm 2009 (thua Rafael Nadal). Tất cả đều thất bại ở chung kết, trước “ngưỡng cửa của thiên đường”.
Ở Indian Wells 2021 này, dù rằng Norrie có phong độ tốt gần đây, nhưng người ta chỉ chú ý đến Murray vì anh vẫn đang chơi kiên cường ở độ tuổi 34, với vết mổ và một mảnh kim loại bên hông. Những kết quả như khi Murray thắng Carlos Alcaraz, cả bằng một số “xảo thuật” như là giao bóng dưới vai, khiến truyền thông tập trung khai thác nhiều.
Trái ngược lại với "sự ồn ào" do Murray mang lại, Norrie cứ bình thản và lạnh lùng, dẹp bỏ hết các đối thủ của mình. Đến khi Murray bị loại, người Anh mới nhận ra, tay vợt “hạng 2” của họ là Norrie đã lần lượt vượt qua quá nhiều tên tuổi...
Đó là 2 tay vợt của nước chủ nhà - Tennys Sandgren và Tommy Paul (anh này đã loại Andrey Rublev), cả những tay vợt đang có phong độ cao như Roberto Bautista Agur (Tây Ban Nha) và “Chàng lùn Argentina” Diego Schwartzman, rồi “Next Gen nửa mùa” Grigor Dimitrov. Ở CK, Norrie ngược dòng hạ luôn Basilashvili…
“Chiến thắng này có ý nghĩa với tôi rất nhiều”, Norrie chia sẻ đầy xúc động, “Đây là danh hiệu lớn nhất torng sự nghiệp của tôi. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Thậm chí, tôi không thể miêu tả nổi cảm giác của mình ngay lúc này. Trận đấu hôm nay là một trận đấu kỳ lạ, nhưng tuyệt đối to lớn với tôi và đội của tôi. Tôi thật sự không thể tin nổi. Nếu các bạn nói với tôi rằng tôi sẽ đăng quang giải đấu này khi mới bắt đầu thi đấu, tôi sẽ không tin đâu”.
Sau “Quý cô Anh quốc” Emma Raducanu, với ngôi vô địch US Open, “Quý ngài London” Norrie lại khiến cho làng quần vợt Anh quốc tự hào. Lâu lắm rồi, người Anh mới lại có những tài năng liên tục nở rộ và thăng hoa ở những giải đấu lớn nhất trong làng quần vợt thế giới trên đất Mỹ. Norrie, Raducanu… là tương lai sáng lạn của quần vợt nước Anh!