“Hiệu ứng” thua!

Chỉ trong vòng vài ngày, người hâm mộ bóng đá Việt Nam không khỏi bị sốc khi chứng kiến 3 đội tuyển trẻ liên tiếp nhận thất bại trước những đối thủ đồng trang, đồng lứa trong khu vực…

Chỉ trong vòng vài ngày, người hâm mộ bóng đá Việt Nam không khỏi bị sốc khi chứng kiến 3 đội tuyển trẻ liên tiếp nhận thất bại trước những đối thủ đồng trang, đồng lứa trong khu vực…

U19 Việt Nam, đội tuyển đang nhận được sự kỳ vọng rất lớn của người hâm mộ suốt thời gian qua, đã không thể vượt qua U19 Myanmar trong trận chung kết giải U22 Đông Nam Á - Cúp Hassanal Bolkiah 2014.

Chỉ vài ngày sau, đến lượt U16 Việt Nam, mà đại diện là U16 PVF, thất bại trong trận chung kết lượt đi giải U16 châu Á vào chiều 26-8 trên sân Thống Nhất. Cũng trong ngày hôm đó, đội tuyển U19 nữ Việt Nam thất thủ trước U19 Thái Lan sau những loạt sút luân lưu trong trận chung kết giải U19 nữ Đông Nam Á.

Văn Toàn tung cú sút giữa vòng vây cầu thủ U19 Myanmar. Ảnh: Đông Huyền

Chưa bao giờ, người hâm mộ bóng đá Việt Nam lại phải dồn dập đón nhận nhiều tin buồn đến vậy. Dù rằng, những giải đấu do U19 và U16 Việt Nam góp mặt ít nhiều vẫn mang nặng tính giao hữu nhưng rõ ràng, việc các đội tuyển trẻ liên tiếp gục ngã trong các trận chung kết khiến cho không ít người phải đắng đót. Thậm chí, có người đã đặt vấn đề về công tác đào tạo trẻ, quy trình tập trung các đội tuyển trẻ…

Từ những thất bại này, đặc biệt là thất bại của đội tuyển U19 trên đất Brunei, rất nhiều quan điểm đã được đưa ra. Có người ủng hộ thầy trò HLV Guillaume Graechen, nhưng cũng có người thẳng thắn phê bình ông thầy người Pháp và các học trò. Tất nhiên, ai cũng có đầy đủ cơ sở, lập luận để bảo vệ quan điểm của mình.

Ở đây, chúng tôi không đề cập đến chuyện đúng - sai, được hay chưa được xung quanh đội tuyển U19, cũng như các đội tuyển U16, U19 nữ sau những thất bại vừa qua. Tuy nhiên, việc cả 3 đội tuyển thất bại liên tiếp trong các trận chung kết chỉ trong vòng 4 ngày cho thấy, bóng đá Việt Nam vẫn còn quá nhiều việc phải làm, nếu muốn vươn đến những cái đích xa hơn.

Đội tuyển U19 Việt Nam, mà thành phần nòng cốt là các cầu thủ của Học viện HAGL - Arsenal JMG, vốn được đào tạo theo kiểu “nuôi gà chọi”, được chăm bẵm từng ly, từng tí, nhưng vẫn không thể hiện được sự vượt trội so với các cầu thủ trẻ trong khu vực. Ngược lại, đội tuyển U19 nữ, vốn chẳng được mấy người quan tâm, nhưng cũng lọt vào đến trận chung kết với Thái Lan, trước khi thất thủ sau những loạt sút luân lưu 11m.

Từ những thất bại này, có thể nói mô hình đào tạo trẻ ở Việt Nam, từ cấp độ CLB cho đến các đội tuyển, vẫn chưa tìm ra được giải pháp tối ưu. Nói cách khác, từ cách tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện và chỉ đạo thi đấu của các HLV tuyến trẻ Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Thế nên, dù có “nuôi gà chọi” như kiểu U19 nam, hay để phát triển tự do, chưa có sự đầu tư, chăm chút như U19 nữ, thì kết quả vẫn chưa được như ý.

Nói cách khác, những thất bại liên tiếp của các đội tuyển trẻ trong thời gian qua vẫn có giá trị nhất định, nếu chúng ta dám thẳng thắn nhìn nhận để tìm ra giải pháp tốt hơn trong tương lai.

HẢI NAM

Tin cùng chuyên mục