1. Cú vào bóng bằng 2 chân trực diện của Sầm Ngọc Đức (Hà Nội) đối với Anh Hùng (Hải Phòng) là một bản sao của màn bạo lực hồi cuối năm 2015 của Đình Đồng trên sân Vinh. Nạn nhân thì chỉ có 1 nhưng bản sao này được nâng cấp về mức độ nguy hiểm, may mà sự nghiệp của Anh Hùng chưa tận.
Cái án phạt hồi năm 2015 mà VFF dành cho Đình Đồng đã là ghê gớm lắm rồi. Truyền thông quốc tế còn xếp nó vào dạng “vô tiền khoáng hậu”. Theo thói quen, họ quy ra con số, chi li là Đình Đồng phải nghĩ đến 28 trận. Tại sao lại như vậy? Bởi với bóng đá quốc tế, giá trị cầu thủ chuyên nghiệp tính trên từng trận mà anh ta thi đấu, theo kiểu “đồng tiền đi liền khúc ruột”. Phải nghĩ từng đó trận, ngoài việc ảnh hưởng đến phong độ, còn mất đi thu nhập suốt cả năm trời. Chính vì thế, với các lỗi trong thi đấu, người ta khó có thể cấm thi đấu nhiều đến như vậy. Cấm mà không đúng, có khi bị kiện dân sự chứ chẳng chơi.
Nhưng hóa ra, nó chẳng là gì với cầu thủ Việt Nam. Từ cú vào bóng trên sân Vinh, đến pha bay chân ở Hàng Đẫy, cách nhau một năm rưỡi, cũng đã có thêm trường hợp cũng thuộc hàng “vô tiền khoáng hậu” của Ngọc Hải – Anh Khoa. Phạt nặng: có; Hậu quả nặng nề: có; Lương tâm cắn rứt: cũng có.
Nhưng, hóa ra, chẳng có nghĩa lý gì cả.
Bởi nó thuộc về bản chất. Có khi cầu thủ chẳng quá ác ý với nhau, nhưng một khi đã lao vào thì kiểu gì cũng “không để nó thoát”. Ý niệm đó nằm sẵn trong đầu mất rồi.
Quan sát kỹ trường hợp của Sầm Ngọc Đức, rõ ràng là không hề có phương án B. Cú lao vào đối phương theo kiểu đó thì không có cơ hội để Ngọc Đức thu chân nhằm tránh làm tổn thương Anh Hùng. May thì không gãy chân, xui thì giã từ sự nghiệp. Kiểu vào bóng bằng 2 chân ấy nhan nhản trên sân cỏ Việt Nam, thế nên hoàn toàn không khả thi nếu bảo rằng chỉ cần phạt nặng một trường hợp thì sẽ không tái diễn. Vấn đề chỉ là “nạn nhân” xui hay may mà thôi.
Cộng đồng mạng đang kêu gọi một án phạt vĩnh viễn đối với Sầm Ngọc Đức. Thực tế thì chẳng ai được phép làm như vậy đối với một lỗi thuộc về chuyên môn. Nhưng lời kêu gọi ấy đã thể hiện sự bất lực đối với những phương pháp giảm thiểu bạo lực sân cỏ của các nhà tổ chức.
Và nó cũng cảnh báo một viễn cảnh rất nguy hiểm. Hãy để ý rằng, những vụ đánh nhau đến mất mạng chỉ từ một vụ va quẹt xe thông thường ngày càng nhiều hơn. Bạo lực được dùng để giải quyết những chuyện thuần túy về mặt kỹ thuật, vốn đã có bảo hiểm hay công an đảm nhiệm. Với bóng đá Việt Nam, nếu những nhà quản lý không thể giải quyết các yếu tố kỹ thuật trên sân cỏ, biết đâu đến một ngày cầu thủ lại “tự xử” người đã gây ra tai nạn bên ngoài sân?!
“Hết thuốc” rồi, chuyện gì mà chẳng có thể xảy ra.